Tăng tốc giải ngân đầu tư công, thị trường bất động sản hưởng lợi

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tại TP Hồ Chí Minh được đánh giá là điểm sáng, kỳ vọng sẽ mang lại những tác động tích cực đến thị trường bất động sản (BĐS) trong trung và dài hạn.

Dự án “ăn theo” hạ tầng

Theo số liệu thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến hết quý II/2021, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công của TP đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước TP là 9.090 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25% tổng kế hoạch vốn đã giao (35.749,218 tỷ đồng), cao hơn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm trước (đạt tỷ lệ 22%). Đồng thời, TP đang hành động quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 95% trở lên trong năm 2021.
Các dự án BĐS và giá đất dọc theo tuyến metro có xu hướng tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, trong quý II/2021, khi tình hình dịch bệnh chưa quá phức tạp, TP đã khởi công 15 dự án giao thông mới, bên cạnh 10 dự án đã khởi động trong quý đầu năm, trong đó có khá nhiều dự án quan trọng được giới đầu tư chờ đợi từ lâu. Đơn cử, sự kiện hoàn thành nhà ga ngầm trước chợ Bến Thành thuộc dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) mang lại niềm hy vọng lớn cho giới kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt, đối với các dự án nằm dọc hoặc lân cận tuyến metro này, thì đây là một cú hích quan trọng. Theo ghi nhận, dọc hai bên Metro số 1, có khoảng 40 dự án BĐS nằm trên địa bàn các quận Bình Thạnh, quận 2; quận 9…
Trong khi đó, dù chưa chính thức khởi công, nhưng thông tin dự án Metro số 2 đang tăng tốc bàn giao mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật trên toàn tuyến… đủ để nhiều DN BĐS và nhà đầu tư vui mừng. Rất nhiều chủ đầu tư không bỏ lỡ cơ hội “ăn theo” này để quảng bá sản phẩm như: Gia Định Plaza, Dopotmetro Tham Lương (quận 12), Sơn Kỳ Building (Tân Phú)…

Cũng là một trong những dự án được chờ đợi, mới đây, sau nhiều lần chậm trễ, đường vành đai 3 đã nhận được tin vui khi Thủ tướng Chính phủ “bật đèn xanh” để vay 190 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Số tiền huy động được sẽ được dùng để hoàn thành đoạn từ Tân Vạn đến Nhơn Trạch, với tổng chiều dài 34,2 km. Hiện tuyến Vành đai 3 chạy qua 4 tỉnh: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trong đó, chỉ mới đưa vào sử dụng đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn trên địa phận tỉnh Bình Dương song dự án khu biệt lập The Standard của tập đoàn BĐS An Gia (AGG) đang thu hút nhiều đối tượng nhà đầu tư.

Cần tầm nhìn trung và dài hạn

Khẳng định tăng tốc giải ngân đầu tư công đang tạo ra cơ hội lớn cho thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, theo TS Đinh Thế Hiển, mỗi DN, mỗi nhà đầu tư sẽ có một cách tận dụng lợi thế khác nhau. “Giải ngân đầu tư công chắc chắn mang lại tác động tích cực, trong đó có cả tác động trực tiếp và tác động gián tiếp.
Cụ thể, tác động trực tiếp là khi một hạ tầng lớn của TP Hồ Chí Minh chuyển động, đồng nghĩa khu vực BĐS ở đó sẽ có cơ hội tăng giá và tạo sóng. Cơ hội gián tiếp là khi đầu tư công được giải ngân thì toàn nền kinh tế được kích cầu, từ đó dòng tiền chuyển động mạnh, và sẽ có những nguồn tiền nhất định (từ chứng khoán, từ vàng, từ dòng vốn ngoại…) đổ vào thị trường BĐS”- ông Đinh Thế Hiển phân tích.

Đánh giá về tốc độ giải ngân của TP hiện nay, theo ông Hiển trong dài hạn, chưa cần quá để tâm đến tốc độ giải ngân nhanh hay chậm, chỉ cần kế hoạch đầu tư công bài bản và công khai, thị trường BĐS sẽ đi lên một cách tự nhiên. “Không quá để tâm, chứ không phải là không tin vào công tác giải ngân.
Từ nhiều năm nay, công tác giải ngân ở nước ta từ cấp Trung ương đến địa phương đều chậm. Nguyên nhân là vì thủ tục giải ngân thường rất phức tạp, qua nhiều bước, trong đó công tác nghiệm thu là quan trọng nhất”- ông Hiển nói, đồng thời nhấn mạnh, kế hoạch phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trở lên trong năm 2021 của TP dù có phần lạc quan hơi quá, song các hoạt động kinh tế và thị trường BĐS vẫn có quyền hy vọng.

Cũng với góc nhìn tương tự, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang nhận định, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn cuối năm 2021, ngoài tác dụng kích cầu nền kinh tế, còn có tác động tích cực đến thị trường BĐS vốn đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, “Thực tế không cần giải ngân hết, chỉ cần có văn bản cụ thể về việc sẽ giải ngân, là đã có cơ sở để thị trường BĐS “tăng nhiệt” trong trung và dài hạn, có thể là trong vòng 3 – 5 năm tới. Do đó, việc giải ngân được 25%, 50%, hoặc 95%... ở thời điểm này chỉ mang tính ý nghĩa không mang tính quyết định”- ông Trần Khánh Quang chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần