Tăng tốc hoàn thành kế hoạch năm 2020

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp tăng tốc cho tăng trưởng 2 tháng cuối năm. Nhiệm vụ là cần tìm ra những đòn bẩy, động lực giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, bứt tốc "ngược dòng" để đạt mục tiêu đề ra.

 Sản xuất dây cáp điện chất lượng cao tại nhà máy điện Á Châu.
3 trụ cột xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư

Trong 2 tháng cuối năm 2020 và cả năm 2021, nền kinh tế có thể gặp những thách thức lớn. Đó là dịch bệnh dù cơ bản được kiểm soát song vẫn có thể bùng phát trở lại, ảnh hưởng tới tâm lý tiêu dùng và hoạt động đầu tư của DN. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường thách thức ổn định và phát triển bền vững. Kinh tế thế giới còn bất ổn trong khi sức khỏe DN nội còn yếu.

Một câu hỏi đặt ra lúc này là trong những tháng cuối năm 2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần phải dựa vào đâu để bứt tốc? Quan sát từ góc độ người làm thống kê, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, số liệu tháng 10 cho thấy, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như ngành chế biến chế tạo và thương mại dịch vụ tiếp tục khởi sắc, lần lượt tăng 8,3% và 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có nghĩa rằng, với việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, sự hồi phục của lĩnh vực chế biến chế tạo, cùng với thương mại dịch vụ nội địa, sẽ là động lực cho tăng trưởng.

Fitch Solutions cho rằng, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu sẽ là động lực chính cho tăng trưởng GDP trong năm 2021. Điểm sáng là ở khu vực sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo. Báo cáo của BIDV cũng cho biết, mặc dù chưa đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2020 (7%) song tốc độ tăng của xuất khẩu sẽ duy trì mức cao hơn nhập khẩu. Dự báo, cán cân thương mại năm 2020 ở mức 18 - 20 tỷ USD.

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Thị trường nội địa gần 100 triệu dân, thúc đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa; tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm. Cùng với đó, dư địa để phát triển tín dụng tiêu dùng ở trong nước vẫn còn khoảng 1,5 - 2 triệu tỷ đồng và còn tăng theo mức tăng của tổng tín dụng nền kinh tế.

Điểm sáng của kinh tế trong 10 tháng qua là mặc dù chịu tác động của dịch Covid 19 nhưng thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tiềm năng. Thu hút FDI sẽ là cơ hội ngắn hạn dễ đạt được do Việt Nam khống chế tốt dịch Covid-19 và tăng trưởng dương, đồng thời, chính trị ổn định. Một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối năm là phải nỗ lực hoàn thành giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. 10 tháng qua, giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt trên 321.5000 tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch.

Nâng cao sức cạnh tranh để bứt phá

"Đại dịch đã gây ra tổn thất nặng nề và căng thẳng thương mại, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang ở trong giai đoạn phục hồi và có những bước tiến mạnh” - chuyên gia kinh tế trưởng Wang Zhe của Caixin Insight Group nhận định. TS Cấn Văn Lực phân tích, có 3 động lực giúp Trung Quốc tăng ấn tượng: Thứ nhất, họ tập trung sâu vào nội địa tiêu dùng và đầu tư công; thứ hai họ phục hồi xuất khẩu; thứ ba, họ dựa vào công nghệ là động lực thúc đẩy. Cả 3 động lực này rất có thể đúng với Việt Nam.

“Để vươn lên trong giai đoạn "bình thường mới" của nền kinh tế, ngoài những lĩnh vực tiềm năng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đầu tư công, kinh tế số rất quan trọng trong sự phát triển. Đó là một vấn đề mang tính dài hạn của đất nước" - ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói. Ông Phước nhấn mạnh điều cấp bách mà các DN cần quan tâm là tái nhận diện và điều chỉnh mô hình kinh doanh. Thứ hai, đầu tư chuyển đổi số. Khi đại dịch diễn ra thì chuyển đổi số là xu hướng cấp bách. Nếu DN không dùng trí tuệ nhân tạo (AI) và thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, tăng cường quản trị rủi ro và an ninh mạng.

Theo ông Phước, câu chuyện của kinh tế số hay một nền kinh tế phát triển dựa vào sáng tạo công nghệ sẽ đưa Việt Nam tới những cơ hội hoàn toàn mới. Thế nhưng, cần phải xây dựng cơ chế vận hành phù hợp cho các nguồn lực về trí tuệ, công nghệ thông tin.
Thất nghiệp tăng (hơn 2 triệu lao động chính thức) sẽ là lực cản cho tăng trưởng tiêu dùng nội địa trong 2021. Do đó, năm tới Chính phủ phải tập trung giải quyết khu vực này qua đầu tư công, chi tiêu công và đầu tư tư nhân. Chính phủ phải làm sao đảm bảo việc phục hồi kinh tế, tăng trưởng đầu tư thông qua các chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ mà vẫn đảm bảo được lạm phát trong vòng kiểm soát.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân