Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tốc xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để hoàn tất một hợp đồng xuất khẩu theo phương thức giao dịch truyền thống, các doanh nghiệp (DN) phải tiêu tốn 52% thời gian thực hiện các thủ tục mua bán.

KTĐT - Để hoàn tất một hợp đồng xuất khẩu theo phương thức giao dịch truyền thống, các doanh nghiệp (DN) phải tiêu tốn 52% thời gian thực hiện các thủ tục mua bán.

Trong khi giao dịch thương mại điện tử chỉ "lấy" của DN vài chục giây hoàn tất các bước ban đầu. Sau đó chỉ cần có máy tính và các thiết bị kết nối mạng internet, DN có thể tìm đối tác, giao dịch, trao đổi hợp đồng kinh doanh ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào.

Hợp đồng đến từ internet

Tính toán của các nhà chuyên môn đã được một công ty trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ Việt Nam sản xuất các sản phẩm từ tre để xuất khẩu (Công ty Tre làng) cụ thể hóa bằng chính hoạt động kinh doanh của công ty hiện nay. Giám đốc của Tre làng cho biết, hồi đầu mới "chân ướt chân ráo" bước vào kinh doanh, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Để giải quyết khó khăn này, bên cạnh việc chào hàng trực tiếp tới các khách hàng, công ty đã lựa chọn giải pháp thương mại điện tử và đăng ký thành viên trên sàn giao dịch Alibaba.com.

Và thành công bắt đầu "mỉm cười" với công ty, hai năm đầu được làm thành viên miễn phí của Alibaba.com công ty đã ký được một số hợp đồng xuất khẩu. Sau khi nâng cấp trở thành thành viên cao cấp (Gold Supplier) của Alibaba.com, trung bình mỗi tháng Công ty Tre làng nhận được khoảng hơn 20 đơn hỏi hàng có tính hiện thực cao trên sàn giao dịch Alibaba.com. Trong đó có khoảng từ 1 - 3 đơn hàng thực sự có giá trị từ 100.000 USD - 120.000 USD. Có tới 50% tổng doanh thu của Công ty Tre làng hiện nay được thực hiện thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Alibaba.com. Công ty cũng liên tiếp nhận được các hợp đồng xuất khẩu từ các khách hàng Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Italia…

Tre làng chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về các DN ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh thành công hiện nay. Rất nhiều DN Việt Nam thuộc các lĩnh vực khác đã bắt đầu nhìn thấy những tiện ích và hiệu quả mà tiết kiệm chi phí từ ứng dụng thương mại điện tử. Ngay trên sàn Alibaba.com cũng đã có tới 150.000 thành viên là các tổ chức, DN Việt Nam tham gia.

DN cần thay đổi thói quen giao thương

Kết thúc năm 2010, ngành xuất khẩu Việt Nam đã đạt được những thành công ngoài mong đợi với kim ngạch xuất khẩu 71,629 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Khiên - Vụ trưởng vụ châu Mỹ, Bộ Công Thương, có không ít DN vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của các thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản… do thói quen giao thương truyền thống, chưa đầu tư sâu rộng vào thương mại điện tử. Để duy trì và nâng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2011, yêu cầu đặt ra cho các DN không chỉ là đổi mới sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa mà còn là đổi mới tư duy trong việc mở rộng thị trường. Họ cần đầu tư phát triển thương mại điện tử, chăm lo tới các website, tham gia các sàn thương mại điện tử để tăng lợi thế cạnh tranh.

Chia sẻ với các DN trong một hội thảo về xúc tiến xuất khẩu vào Hoa Kỳ thông qua thương mại điện tử, ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa, DN nào không ứng dụng thương mại điện tử một cách tích cực thì sẽ đứng ngoài cuộc chơi, khó có cơ hội phát triển. Trên thế giới, thương mại điện tử cũng chiếm hơn 90% tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu, trong đó chỉ riêng Bắc Mỹ và châu Âu đã chiếm tới trên 80%. Ở quy mô quốc gia, thương mại điện tử giúp các DN gia tăng giá trị xuất khẩu một cách đáng kể vì các thị trường có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu (trên 1.900 tỷ USD/năm) có trình độ khoa học, công nghệ cao nên thương mại điện tử là kênh mua sắm thường xuyên của người dân. Các DN xuất khẩu trong nước không nên bỏ qua cơ hội này để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn.