Xuất khẩu, công nghiệp, xây dựng là "điểm sáng"
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, còn khu vực dịch vụ tăng 2,34%.Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, theo đánh giá của TCTK, công nghiệp chế biến, chế tạo chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020, với mức tăng 5,82%. Đặc biệt, quý IV/2020 ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng ấn tượng trên 9%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,92%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,51%. Ngành xây dựng có phần tích cực với mức tăng 6,76%, cao hơn tốc độ tăng của các năm 2011, 2012 và năm 2013 trong giai đoạn 10 năm gần nhất.
Khu vực dịch vụ theo cơ quan thống kê, Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng được kiểm soát tốt trong nước nên hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt mức tăng cao trong những tháng cuối năm, hoạt động vận tải trong nước đang dần phục hồi nhưng vận tải ngoài nước và du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Những ngành vẫn duy trì tăng trưởng như bán buôn và bán lẻ tăng 5,53%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,87%.Xuất nhập khẩu được đánh giá là điểm sáng, với tổng kim ngạch năm nay ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%, còn nhập khẩu 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm xuất siêu kể từ năm 2016.Kinh tế phục hồi hình chữ V?Kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy trong quý I/2020 và đang phục hồi theo hình chữ V, theo nhận định của TCTK. GDP Việt Nam năm 2020 tăng 2,91%, trong đó quý I tăng 3,68%, quý II tăng 0,39%, tuy nhiên quý III tăng 2,69%, quý IV tăng 4,48%. “Là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam khi mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới” - Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết.Một lượng lớn vốn đầu tư công được giải ngân vào các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa trong quý IV/2020 và năm tiếp theo 2021 sẽ tạo ra sự đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu tăng trưởng khả quan cho thấy các DN đã tận dụng được lợi thế hội nhập. Đặc biệt, việc khống chế Covid-19 thành công trở thành công cụ quảng bá cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư (tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020 đạt 28,5 tỷ USD). Theo cơ quan Thống kê, năm 2020, cả nước có 134.900 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 2,236 triệu tỷ đồng, giảm 2,3% về số DN và tăng 29,2% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, còn có 44.100 DN quay trở lại hoạt động và gần 37.700 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN, dự kiến quý I/2021 so với quý IV/2020, có 42,8% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số DN dự báo khó khăn hơn và 38,2% số DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định.Tuy vậy, trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn là đối tác quan trọng của Việt Nam và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư. Theo TCTK, trong bối cảnh biến động toàn cầu, tất cả đều phải thay đổi, không chỉ ở cấp độ vĩ mô, mà từng ngành, từng DN, người dân phải thay đổi.Do đó cơ quan này khuyến nghị, chuẩn bị cho khôi phục kinh tế hậu Covid-19, cần duy trì “tinh thần tiếp tục tháo gỡ hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh, kể cả vấn đề đầu tư công và các mặt khác” để tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Trong đó, ban hành thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ. Từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển thị trường trong nước, Kích cầu đầu tư, tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại. Nhanh chóng phát triển công nghiệp phụ trợ với ngành sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,1% so với tháng trước. Bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với năm 2019. |