Tăng trưởng kinh tế 2019 có thể vượt kế hoạch?

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Nhiều ý kiến từ các chuyên gia dự báo mặc dù còn nhiều thách thức từ bên ngoài cũng như những khó khăn nội tại của nền kinh tế, nhưng tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đặt ra.

Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,76% và thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2018 (7,05%), nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ các năm từ 2011 đến 2017.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, nhất là căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, còn đó những khó khăn, thách thức và nhiều "điểm nghẽn" chưa được tháo gỡ, như: Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng; xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại, nhất là từ thị trường Trung Quốc, trong khi đây là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại (ở mức 11,18%, thấp hơn so với mức 12,87% của cùng kỳ năm 2018) do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút.
Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp Nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm. Nguy cơ lạm phát vẫn còn hiện hữu do tác động của xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục). Dư địa chính sách tài chính và tiền tệ hạn hẹp trước sức ép lạm phát và tỷ giá.
Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2019 không cao như cùng kỳ năm trước bởi nhiều lý do, nhưng chủ yếu là do khó khăn từ một số ngành.
Ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng chậm lại do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút.
Những khó khăn này cộng với xu hướng giảm tốc của tăng trưởng toàn thế giới làm tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam khó đạt được mức cao, đặc biệt so trên nền mức tăng trưởng ở mức kỷ lục của 6 tháng đầu năm 2018.
Hiệp định CPTPP được thực thi từ đầu năm và EVFTA vừa được ký kết đã tạo niềm tin vào sự gia tăng mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, EVFTA dự kiến được phê chuẩn trong nội bộ các bên và dự kiến có hiệu lực phải vào cuối năm 2019. Các Hiệp định này cũng cần thời gian và độ trễ nhất định để đi vào cuộc sống và tác động đến các số liệu vĩ mô như tốc độ tăng trưởng GDP.
GDP cả năm có thể đạt mức 6,86%
Về tình hình thời gian tới, TS Trần Thị Hồng Minh cho rằng, kinh tế thế giới năm 2019 dù tăng trưởng chậm lại và dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018, nhưng dự kiến vẫn đạt mức khá (3,44% trong năm 2019) do kỳ vọng vào tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản cũng như sự ổn định của giá cả hàng hóa thế giới.
Một số yếu tố có thể tác động tích cực và tiêu cực đến kinh tế Việt Nam như: diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ...
Trong nước, việc Chính phủ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư cũng như tận dụng những cơ hội của hội nhập quốc tế, nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ là những yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm và cả năm 2019.
Trong bối cảnh đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86%, vượt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (từ 6,6 - 6,8%); chỉ số giá tiêu dùng bình quân dự kiến tăng 3,13% (so với Kế hoạch khoảng 4%); các chỉ tiêu về tỷ trọng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.
Theo bà Minh, để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, đặc biệt các ngành đóng vai trò quan trọng trong quản lý, điều hành kinh tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2019.
Trong đó tập trung thực hiện việc nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường các biện pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch vào Việt Nam do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...
Nội lực trong nước phải được nâng cao
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam có thể đạt mức 6,82%; tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,02%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 0,8 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2019 ở mức 3,38%.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM cho rằng, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế như dự báo, trước tiên, các cơ quan chức năng phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô; đồng thời, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực.
Cùng với đó, các ngành phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các lĩnh vực; trong đó, đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
Ông Dương cũng cho rằng, các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Ban hành Luật sửa một số luật để thực thi CPTPP.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để đạt được tăng trưởng, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; xây dựng và ban hành công khai, minh bạch kế hoạch cụ thể sử dụng vốn thu được từ thoái vốn, công khai các doanh nghiệp nhà nước chậm trễ trong việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết, gắn với trách nhiệm cá nhân để có giải pháp xử lý nghiêm và hiệu quả.
Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần tăng cường theo dõi, đánh giá dòng vốn đầu tư để kiểm soát rủi ro “vốn nóng”; cụ thể hóa và truyền thông về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới. Các ngành cũng cần khuyến khích, động viên các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; nghiên cứu, ban hành chiến lược, các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, trên cơ sở không trái với cam kết và thông lệ quốc tế, có sự đồng thuận của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, thực tiễn cải cách và điều hành chính sách trong 6 tháng đầu năm 2019 vẫn bộc lộ một số hạn chế, thiếu động lực. Theo đó, năng suất và chất lượng lao động được đề cập nhiều, song tính mới và cụ thể trong các đề xuất chính sách và cơ chế thực thi còn hạn chế. Việc nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế chưa được truyền tải vào hệ thống chính sách, quy định trong nước. Việc chuẩn bị cho Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) còn chậm, dù Hiệp định này đã thực thi.
Cuối năm ngoái, chúng ta nói nhiều về CPTPP, nhưng các chính sách, biểu thuế ban hành còn chậm. Nếu không có sự thay đổi cách làm thì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng sẽ được tận dụng chậm như CPTPP. Do vậy, cần nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ liên quan CPTPP”, ông Dương nói.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin, thống kê phục vụ cho điều hành của một số bộ chậm được cải thiện cả về chất lượng, tính kịp thời.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đặt vấn đề: Động lực tăng trưởng của Việt Nam kể từ nay trở đi là gì? Ông Cung lý giải, trong bối cảnh này cần phải cải cách, tái cơ cấu để chuyển đổi, nâng cao tăng trưởng.
"Hội nhập, thu hút đầu tư là yếu tố quan trọng để tăng trưởng, phát triển kinh tế, nhưng nội lực trong nước, sức cạnh tranh của doanh nghiệp phải được nâng cao, đó mới là tăng trưởng lâu bền", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Theo Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, như: rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới được đề cập nhiều hơn, dù có thể chưa xảy ra ngay trong 6 tháng cuối năm 2019; căng thẳng thương mại ở khu vực chưa hạ nhiệt. Ngoài ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ...