Tăng trưởng kinh tế 2019: Lạc quan nhưng vẫn lo

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019 đóng vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 và cả Chiến lược 10 năm 2011 - 2020. Do đó, mục tiêu đặt ra đã rõ ràng hơn: Tăng trưởng GDP cao hơn năm 2018. Các dự báo cho thấy, kinh tế Việt Nam năm 2019 có thể đạt tăng trưởng hơn 7%.

Động lực nào cho GDP?
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ KH&ĐT mới đây dự báo: Tăng trưởng GDP giai đoạn 2019 - 2020 trong khoảng 6,9 - 7,1%. Kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu và các yếu tố tích cực nội tại (đà tăng trưởng của năm 2018 và tính chu kỳ của nền kinh tế).
 
Tính toán cho thấy, chu kỳ của nền kinh tế trong ngắn hạn đang tiếp tục xu hướng phục hồi từ giữa năm 2017, báo hiệu tăng trưởng khả quan trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019. Đặc biệt, với những chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP, diễn biến tích cực của hoạt động sản xuất dự báo tiếp tục kéo dài sang năm 2019, sẽ hỗ trợ đáng kể cho tăng trưởng.

TS Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo (NCIF) chỉ ra, nếu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút FDI, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Tình hình trong nước có vẻ sáng sủa hơn khi thương mại được thúc đẩy thông qua tham gia vào các FTA; tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh được tăng cường; tiêu dùng gia tăng...

"Trong khi yếu tố vốn đang đóng góp khoảng 50% vào tăng trưởng, một khối lượng lớn vốn đầu tư chưa được giải ngân sẽ là dư địa lớn cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều nguồn lực trong và ngoài nước chưa được huy động cho đầu tư phát triển. Đơn cử, cho đến nay, chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT theo hình thức PPP. Ngoài ra, những dư địa khác cho tăng trưởng kinh tế như nông nghiệp, du lịch chưa được khai thác triệt để và đặc biệt là các đầu tàu kinh tế trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh..." - Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung

Theo các chuyên gia, là năm có ý nghĩa nước rút nên Chính phủ xác định, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019 sẽ là “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2018, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực…”.

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, nền kinh tế năm 2019 dự báo vẫn còn rất nhiều rủi ro cần phải lường trước, đòi hỏi sự thận trọng trong điều hành. TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Ban Kinh tế Thế giới (NCIF) nhận định, nguy cơ các nền kinh tế chủ chốt gia tăng cạnh tranh về kinh tế, tài chính, tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ cũng là thách thức được dự báo. Nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu nhiều tác động như biến động về tỷ giá cũng như trên thị trường chứng khoán. Đáng chú ý, diễn biến thương mại trên thế giới phức tạp phần nào đã, đang và sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, như thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục tăng, dòng chảy FDI từ Trung Quốc không rõ ràng, quá trình Brexit…

Giai đoạn 2019 - 2020, Việt Nam đứng trước những rủi ro khi tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực FDI. Đáng lo hơn là độ mở tài chính quốc gia đang cao hơn trình độ phát triển của nền kinh tế. Tỷ lệ nợ công cao và nghĩa vụ trả nợ lớn (trong 2 năm 2019 - 2020 có nhiều khoản nợ đến hạn) cũng ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô cũng như khả năng giảm mặt bằng lãi suất.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, từ 2019 Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là các cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, sở hữu trí tuệ… mang lại cơ hội thu hút các nguồn lực từ nước ngoài nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với khu vực kinh tế trong nước. Trong khi đó, trình độ thay đổi công nghệ của các DN nội còn yếu và phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay. Đặc biệt, các DN nhỏ của Việt Nam đang yếu dần.

Bà Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh, cần phải xác định hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển thì đối tượng chính phải là 98% DN vừa và nhỏ trong nước, khối kinh tế hộ gia đình, phi chính thức, sẵn sàng thích ứng với đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế. Bà Lan lấy ví dụ, 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 nhưng điều kiện kinh doanh vẫn khó khăn, cắt chỗ này gài điều kiện chỗ khác. Hai năm tới, theo bà Phạm Chi Lan, phải tập trung thực hiện mạnh Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, vì đây là cam kết đầy đủ của Chính phủ, xóa bỏ xin - cho.