Tăng trưởng đạt ở cả 3 nhóm ngành
Kết quả trên đã tạo kỳ vọng, tín hiệu khả quan để cả năm nay tiếp tục đạt kết quả kép: Vừa cao hơn năm trước (6,81%), vừa cao hơn mục tiêu đề ra (6,5 - 6,7%). Đó là thể hiện quyết tâm và các giải pháp kịp thời, đồng bộ trên nhiều mặt; tranh thủ thực hiện ngay từ tháng đầu, quý đầu, hạn chế dần tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm cấp tập.Dưới góc độ nhóm ngành, tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tuy gặp khó khăn về tiêu thụ một số mặt hàng (như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả…), nhưng đã có sự cải thiện về cơ cấu sản xuất nên tăng trưởng tiếp tục phục hồi và đạt cao nhất từ năm 2011 đến nay (2012 tăng 3,13%, 2013 tăng 2,06%, 2014 tăng 2,9%, 2015 tăng 2,22%, 2016 giảm 0,18%, 2017 tăng 2,75%). Hai nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ vừa tăng cao hơn tốc độ của cùng kỳ, vừa cao hơn so với tốc độ chung. Do vậy, cơ cấu nhóm ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Với tỷ trọng cao hơn, tốc độ tăng cao hơn, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nhóm ngành dịch vụ tiếp tục trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, đúng với định hướng là mũi nhọn của toàn bộ nền kinh tế mà Chính phủ xác định.Dưới góc độ sử dụng GDP, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt được ở cả 2 bộ phận chủ yếu là tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản. Tiêu dùng cuối cùng thể hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL). TMBL tính theo giá thực tế tăng 10,7%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,3%, cao hơn tốc độ tăng 7,9% của cùng kỳ. TMBL tăng cao hơn, ngoài các yếu tố như dân số tăng (khoảng 1%), mức tiêu dùng bình quân đầu người cao hơn và quan trọng hơn là tỷ lệ tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường cao hơn, còn có yếu tố số lượng người nước ngoài đến Việt Nam đạt kỷ lục mới (7.891,5 nghìn lượt người) và tăng rất cao (27,2%). Phần chênh lệch giữa sản xuất và sử dụng trong nước về GDP là do xuất siêu (hàng hóa xuất siêu 2,71 tỷ USD, dịch vụ nhập siêu 1,3 tỷ USD).
Vẫn còn những hạn chếBên cạnh những điểm nhấn có tính vượt trội trên, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn còn những hạn chế với những thách thức không nhỏ nên chưa thể chủ quan thỏa mãn. Cụ thể, tăng trưởng cao có một phần do số gốc so sánh là 6 tháng đầu năm trước tăng thấp (tức là quy mô tuyệt đối còn thấp). Các quý tiếp theo của năm 2017 tăng khá cao (tức là quy mô tuyệt đối là số gốc so sánh từ quý III năm nay cao lên), nên việc tăng cao trong các quý còn lại khó đạt cao hơn nhiều như cùng kỳ năm trước. Nếu năm trước đà tăng trưởng cao lên qua các quý thì năm nay có thể chậm lại. Xét về các yếu tố cơ bản cũng có một số điểm đáng lưu ý. Đó là tăng trưởng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản sẽ gặp khó khăn hơn khi thực hiện TPP11, nhập khẩu với thuế suất thấp từ các nước thành viên. Tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng thì có đến trên dưới một nửa là do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.
Xuất khẩu tăng cao có phần lớn (trên 72,4%) do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp, nhưng cũng tăng chậm lại trong quý II. Tuy cả nước xuất siêu, nhưng khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu lớn; nhập siêu từ Trung Quốc giảm nhưng vẫn lớn, trong khi nhập siêu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… tăng. Xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường tăng chậm lại. So với nhiều nước, hiệu quả đầu tư và mức năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp. Đáng lưu ý, đã có một số cảnh báo về cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế theo chu kỳ trên thế giới có thể sắp xảy ra, trong khi Việt Nam có độ mở lớn, có thể không rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng này, nhưng sẽ bị ảnh hưởng cả về 3 mặt (tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp). Ngoài ra, giá USD đã tăng, thị trường chứng khoán giảm cả về điểm số, cả về giá trị giao dịch.
Về hiệu quả đầu tư, 6 tháng đầu năm, suất đầu tư tăng trưởng 4,6 lần, thấp hơn cùng kỳ năm trước, tức là hiệu quả đầu tư cao hơn, do tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đạt 32,9%, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn. Số lượng lao động đang làm việc tiếp tục tăng thấp, trong khi tăng GDP cao hơn, nên tốc độ tăng năng suất lao động đạt cao hơn cùng kỳ (khoảng 6%). |