Sáng 22/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định
Thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Mặc dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Thành công này là nhờ chúng ta triển khai bài bản, khoa học và linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, nắm bắt được các thời cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nêu các quan ngại lớn khi chưa bao giờ các cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc nhiều như hiện nay; các bệnh viện thiếu sinh phẩm, vật tư y tế, còn nhiều vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm, đấu thầu mua sắm vật tư y tế.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ quan ngại khi thời gian qua, có quá nhiều cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật bị xử lý. Cùng với đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng qua còn quá chậm khi chỉ đạt 46,7% kế hoạch của năm 2022.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã thể hiện sự khách quan, đúng mực, thẳng thắn, nhận diện rõ bài học trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô là quan điểm chủ đạo, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng. Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế đã phát huy hiệu quả.
Thực tế cho thấy, hầu hết các nền kinh tế rơi vào lạm phát cao là do thực hiện hỗ trợ bằng biện pháp “bơm tiền”, nhưng Việt Nam hỗ trợ bằng tài khóa như hỗ trợ giãn, hoãn thuế... đây là thành công lớn trong điều hành của Chính phủ, cần triển khai tiếp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ."Năm 2023 bối cảnh còn nhiều khó khăn, thế giới đang tích cực kiểm soát gia tăng lạm phát, đại biểu cho rằng Việt Nam phải làm mọi cách để giữ được tỷ giá, có chính sách hỗ trợ tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp"- đại biểu nêu.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, với TP Hà Nội, trong đầu tư công Hà Nội nên đẩy mạnh theo cơ chế đặt hàng, đây sẽ là bước ngoặt trong phương thức thực hiện đầu tư công. Chẳng hạn trong đầu tư đường sắt đô thị, nếu đặt hàng của tập đoàn lớn, sẽ không bị lệ thuộc vào nhà thầu nước ngoài, qua đó giải quyết được vấn đề vừa đẩy nhanh đầu tư công, vừa tạo ra nền kinh tế độc lập, tự chủ theo chủ trương hội nghị Trung ương 6 vừa qua, vừa tạo ra chỗ đứng cho các ngành công nghiệp lớn trong nước.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, trong tăng trưởng kinh tế, nếu xét về góc độ tiêu dùng có 3 yếu tố chính là tiêu dùng, đầu tư và tiết kiệm và xuất khẩu ròng. Phân tích những vấn đề ảnh hưởng đến các yếu tố này, đại biểu cho rằng, thời gian tới sẽ đặt ra các thách thức trong tăng trưởng kinh tế và cần phải được phân tích và có giải pháp để khắc phục. “Chúng tôi co rằng với mục tiêu đặt ra cho năm 2023 là 6,5% cũng phù hợp nhưng cũng cần phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng”- đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh, báo cáo của Chính phủ cho biết, trong 9 tháng đầu năm, chỉ số giá tiên dùng tăng 2,73%, tuy nhiên trong rổ hàng hóa thì giá tiêu dùng lại tăng cao hơn ở các nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu. Liên quan đến xăng dầu còn thiếu nguồn cung, dẫn đến việc nhiều cửa hàng đóng cửa, người dân phải xếp hàng mua... đây là những hàng hóa thiết yếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, người có thu nhập thấp vì tỷ trọng chi tiêu cho hàng hóa thiết yếu của người thu nhập thấp và người lao đổng rất lớn. Do đó, đây là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.
Theo đại biểu, Chính phủ cũng đã dự báo chỉ số giá tiêu dùng sang năm 2023 sẽ tăng (mục tiêu là 4,5%). Việc này gắn với các yếu tố như tăng lương cơ sở có thể là tác động tâm lý gây tăng chỉ số giá tiêu dùng,
Cần lưu ý các thách thức nội tại của nền kinh tế
Tại thảo luận tổ, các đại biểu Đoàn TP Hà Nội cũng đề nghị quyết liệt hơn trong ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời, tái cấu trúc thị trường tài chính, bất động sản, bảo đảm thể chế rõ ràng, minh bạch để kiểm soát thị trường trái phiếu; đẩy nhanh xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, xem xét thu hút FDI một cách chọn lọc; điều hành thị trường xăng dầu hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, không để thiếu nguồn cung xăng dầu cục bộ...
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, với mong muốn Đảng và Nhà nước ta chú trọng hơn nữa trong phát triển nông nghiệp - nông thôn.
Cử tri cũng bày tỏ băn khoăn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hiện nay khi tại các khu vực nông thôn, chỉ còn người già, còn thanh niên thì không mặn mà với lĩnh vực này. Vì thế, Chính phủ cần sớm có các giải pháp căn cơ để tháo gỡ tình trạng này, cần có chính sách đặc thù cho Hà Nội để xây dựng nền nông nghiệp đặc trưng của Thủ đô.
Đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội) phân tích các thách thức toàn cầu và cho rằng cần lưu ý các thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước như dòng tiền cho tiêu dùng có thể gián đoạn; vấn đề du lịch, dịch vụ thời hậu Covid-19; vấn đề nợ xấu, đặc biệt là dư nợ cho vay bất động sản.
Nhấn mạnh bài học về điều hành của Chính phủ, chú trọng sự năng động của các địa phương, sự tăng trưởng nhờ vào một số điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu cho rằng, độ mở kinh tế lớn nên không thể đứng khi thế giới vận động, không nên quá lạc quan vào kết quả, cần tính toán kỹ về chính sách tài khoá và tiền tệ, nhấn mạnh vào yếu tố nguy cơ. Đồng thời, nhìn vào con số kim ngạch nhập khẩu còn hạn chế, để chú ý năng lực của doanh nghiệp trong nước trong năm 2023. Với ngành nông nghiệp cần chú ý về thu nhập của người nông dân; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm..
Thay mặt chủ toạ điều hành thảo luận tổ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, các ý kiến phát biểu thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, chất lượng, tâm huyết, trí tuệ, sâu sắc. Trong đó, đại biểu đều thống nhất đánh giá, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, tình hình thế giới có những biến động, Chính phủ đã điều hành đồng bộ, tập trung nhiều giải pháp quyết liệt, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, từ đó kết quả đạt được khá toàn diện, dự kiến 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội sẽ hoàn thành. Đại biểu cũng nêu dự báo tình hình trong thời gian tới, những tiềm ẩn rủi ro và hiến kế, trao đổi nhiều giải pháp khắc phục khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và Thủ đô.
Phó Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khẳng định, các ý kiến của đại biểu sẽ được Đoàn tổng hợp, chuyển tải tới Quốc hội. Đồng thời đại biểu sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những đóng góp, thảo luận trách nhiệm với Quốc hội.