Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng ngân hàng thiếu bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công bố của nhiều ngân hàng (NH) cho thấy, năm 2015 đã có sự hồi phục rõ rệt trên mọi phân khúc, bằng chứng là lợi nhuận của các NH đã tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vẫn khó để kỳ vọng mục tiêu hoạt động cho năm 2016 có tăng trưởng đột biến, khi nhiều NH vẫn tỏ ra thận trọng.

Sớm cán đích nhờ tín dụng cải thiện

Những ngày đầu năm 2016, hàng loạt hội nghị tổng kết năm 2015 của các NH đã được diễn ra với kết quả kinh doanh khả quan. Tại Vietcombank, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản đạt 673.910 tỷ đồng, tăng 16,7% so với thời điểm đầu năm. Tổng lợi nhuận trước thuế cả năm 2015 đạt 6.828 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước. Trong đó, riêng quý IV/2015, NH ghi nhận 1.698 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. VietinBank còn lãi nhiều hơn khi trong năm vừa qua NH lãi hợp nhất trước thuế 7.360 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV, sau khi nhận sáp nhập MHB, cũng báo lãi trước thuế 7.036 tỷ đồng.

Tình hình lạc quan trên thực tế còn xuất hiện cả ở những NH cổ phần, tư thương. Đơn cử, NH Quân đội (MB) thông báo lãi trước thuế 3.151 tỷ đồng, Techcombank lãi tới 2.037 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm đã đặt ra. Các NH như HDBank, Sacombank, ABBank… đều được dự báo có thông tin tốt.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VietinBank Chương Dương.  	Ảnh:  Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VietinBank Chương Dương. Ảnh: Trần Việt
Sự hồi phục của các NH trong năm 2015 là do nền kinh tế phần nào đã tăng trưởng trở lại, mảng thu nhập lớn nhất của các NH là lãi tín dụng đã cải thiện tích cực. Rất nhiều dự án lớn đã được khởi công trong năm 2015, trong đó vốn vay từ các NH vẫn chiếm tỷ lệ chủ đạo trong vốn đầu tư của dự án. “Ngoài mảng cho vay bất động sản tăng trưởng mạnh trở lại là nguồn hút tiền mạnh mẽ từ các nhà băng” - một lãnh đạo ABBank chia sẻ. Tại Vietcombank, cho vay khách hàng đạt 387.151 tỷ đồng, tăng trưởng 19,7%. Tiền gửi của khách hàng đạt 499.764 tỷ đồng, tăng 18,3%.

Tuy nhiên, bên cạnh các con số lợi nhuận đẹp như mơ, các NH vẫn canh cánh một nỗi niềm là nợ mất vốn có khả năng tăng mạnh. Ví dụ, tại Vietcombank, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 58,8% lên mức 5.672 tỷ đồng, chiếm 73% tổng số nợ xấu. Điều này được lý giải là do sau suy thoái, những DN có khả năng cầm cự sống sót và trả được nợ đều lộ diện, còn những DN không thể hồi phục thì dù NH có giải pháp hỗ trợ như thế nào, khả năng khó thu hồi nợ vẫn hiển hiện.

Vừa lo lợi nhuận, vừa lo cạnh tranh
Năm 2016, tăng trưởng dư nợ của HD Bank sẽ tốt hơn, nhưng chưa thể nói đến sự đột biến, vì vậy, khó để kỳ vọng tín dụng tăng trưởng mạnh tác động tích cực lên lợi nhuận trong năm 2016. Điều quan trọng đối với NH trong phát triển tín dụng năm nay, vẫn chính là phải kiểm soát được rủi ro về chất lượng khoản vay.
Ông Lê Thành Trung - Phó Tổng giám đốc HD Bank
Nam A Bank hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho năm 2015 ở mức 360 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch đưa ra cho năm 2016 có thể chỉ tăng khoảng 20 - 25% so với năm 2015, bởi thị trường còn có những khó khăn nhất định.
Lương Thị Cẩm Tú - Tổng Giám đốc Nam A Bank

Dù kết quả kinh doanh khả quan nhưng các NH vẫn cân nhắc khá kỹ lưỡng trước khi đưa ra chỉ tiêu cho năm 2016. Tại ACB, mặc dù 9 tháng đầu năm 2015, NH đã hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận trên 1.100 tỷ đồng và cả năm vượt chỉ tiêu đưa ra ban đầu. Tuy nhiên, ông Đỗ Minh Toàn - Tổng Giám đốc ACB cho rằng, hoạt động ngành NH trong năm 2016 tồn tại nhiều thách thức, vì vậy, các chỉ tiêu kinh doanh năm 2016 chưa thể có đột phá so với năm qua. Nam A Bank cho hay, khả năng kế hoạch kinh doanh xây dựng cho năm 2016 cũng chỉ tăng khoảng 20% so năm nay, nguyên nhân bởi nợ xấu vẫn là gánh nặng và rào cản đối với dòng chảy vốn.

Thực tế, tín dụng vẫn đóng góp lớn nhất trong tổng thu nhập của các NHTM. Để có thể tăng trưởng được dịch vụ, trước hết hoạt động tín dụng phải phát triển. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được rủi ro nợ xấu gia tăng, đòi hỏi trích lập dự phòng cao thì lợi nhuận thu về sẽ bị ăn mòn trong năm 2016.

Nhận định về sức ép của các NHTM trong năm 2016, Công ty CK Bảo Việt (BVSC) cho rằng các dấu hiệu như: Hoạt động cạnh tranh huy động vốn; Các NHTM vẫn đang phải trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu; Áp lực huy động vốn cho ngân sách sẽ là những yếu tố tác động đến sự cân bằng của cung - cầu vốn và đẩy lãi suất lên mức cân bằng mới. “Những cơn sóng ngầm điều chỉnh lãi suất huy động gần đây là dấu hiệu đầu tiên về sự gia tăng cạnh tranh thông qua công cụ lãi suất giữa các NH” - các chuyên gia của BVSC đánh giá .

Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Xuân Nghĩa bổ sung, việc áp dụng Basel II (khung rủi ro tín dụng) đối với các NH lớn nhất sẽ khiến các NH này phải cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng cho vay và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. “Việc quan trọng mà NH cần tập trung cải thiện trong thời gian tới là năng lực quản trị, từ quản lý rủi ro đến tái cơ cấu hoạt động để gia tăng các nguồn thu một cách đồng đều, bền vững” - ông Lê Xuân Nghĩa nêu rõ.
Lạc quan nhưng cần thận trọng

Tăng trưởng ngân hàng thiếu bền vững - Ảnh 1Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khi được hỏi về “bức tranh” ngân hàng (NH) Việt Nam hiện nay như thế nào?

Ông nhìn nhận thế nào về hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong hệ thống NH Việt Nam trong năm qua?

- Năm 2015, ngành NH đã có nhiều khởi sắc, nhiều NH sớm cán đích kế hoạch, tuy nhiên, đâu đó vẫn còn bộc lộ nhiều khuyết điểm. Báo cáo tài chính đã công bố của các NH cho thấy, vẫn còn rất nhiều NH có nợ cần chú ý ở mức cao. Với tỷ lệ nợ cần chú ý lớn như vậy thì khả năng phát sinh nợ xấu lớn trong hệ thống NH trong thời gian tới là hoàn toàn có thể. Và do vậy, cần phải chú trọng việc kiểm soát.

Ngoài ra, sở dĩ một số NH sớm đạt chỉ tiêu lợi nhuận là do kế hoạch đưa ra khá khiêm tốn; Mặc dù đã bán nợ xấu cho VAMC nhiều như vậy nhưng tỷ lệ nợ xấu trong nhiều trường hợp còn tăng.

Ông đánh giá thế nào về khả năng lợi nhuận của các NH trong năm 2016?

- Tỷ lệ nợ xấu cao, tốc độ xử lý nợ xấu thấp vẫn tiếp tục thách thức hoạt động kinh doanh của các NH trong thời gian tới. Sang năm 2016, mặt bằng lãi suất nhiều áp lực, tỷ giá USD/VND biến động, chi phí trích lập dự phòng tiếp tục ăn mòn lợi nhuận, khiến lợi nhuận hoạt động của NH chưa thể khởi sắc.

Chênh lệch lãi suất của toàn ngành (NIM) đang ngày càng hẹp đây là yếu tố cơ bản khiến lợi nhuận NH khó đạt những con số cao như kỳ vọng, mặc dù về cơ bản, các NH đã tái cơ cấu rất tốt, có thanh khoản, bước vào một giai đoạn phát triển sáng sủa hơn.

Như ông phân tích, lợi nhuận năm 2015 tuy tăng nhưng thực tế vẫn ở mức khiêm tốn do chỉ tiêu đặt ra thấp. Vậy tại sao năm 2016, các NH vẫn dè dặt trong việc đặt mục tiêu lợi nhuận?

- Với 58% nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lí, 42% do họ bán qua VAMC, trong đó 9% của 42% nợ xấu mới được xử lý hoàn tất khi khoanh tại VAMC thì phải nói rằng các tổ chức tín dụng đã gỡ được áp lực nặng về nợ xấu. Nhưng nợ xấu chỉ mới được giảm về mặt cơ học, phần nào vẫn còn nhiều điều phải tiếp tục nỗ lực xử lí. Điều này chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận NH chưa thể tăng mạnh. Bản thân các NH có nợ bán cho VAMC theo quy định đều sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro từ 10 – 20%, mà nợ xấu cũng không được để vượt quá 3%. Áp lực thực ra cũng không nhẹ.

Bên cạnh xử lý nợ xấu, việc tái cấu trúc các TCTD có kết quả nhưng chưa hoàn tất. Về NH, quy mô phải tương xứng với thị trường hội nhập, trong quá trình này, các TCTD phải lành mạnh hóa hệ thống, đáp ứng được tiêu chuẩn thông lệ quốc tế, hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính, vì vậy tái cơ cấu hệ thống NH sẽ nâng lên cao hơn những mục tiêu sáp nhập và hợp nhất NH đã được đề cử, buộc các NH phải tính toán kỹ lưỡng bài toán lợi nhuận song hành với đảm bảo an toàn trong kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!
Trâm Anh thực hiện