Tăng trưởng thiếu bền vững
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện tại Việt Nam đang có 833 đô thị các loại, gồm: đô thị đặc biệt và các đô thị từ loại 1 – loại 5. Tỷ lệ đô thị hóa đã đạt mức 38,4%, dự kiến sẽ vượt ngưỡng 40% vào năm 2020.
Các đô thị lớn nhất nước, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cùng các vùng xung quanh và một số đô thị quy mô trung bình đã đạt tốc độ tăng trưởng dân số nhanh nhất nước trong 10 năm vừa qua. Trái lại, các đô thị nhỏ đạt tốc độ tăng trưởng dân số chậm nhất, thậm chí giảm dân số, trừ một vài trường hợp ngoại lệ.
Mặc dù sự tăng trưởng tập trung ở hai hệ thống đô thị nòng cốt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng hai vùng đô thị này lại đi theo những con đường tăng trưởng kinh tế khác nhau, do các điều kiện địa lý kinh tế khác nhau. TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ chiếm tới gần một nửa (45%) tổng sản lượng công nghiệp của cả nước. Nhưng đã thể hiện một số dấu hiệu cho thấy sự bão hòa của các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp.
Trong khi đó, công nghiệp nặng và các ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh (công nghệ cao) lại tập trung ở Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng, nhiều hơn so với ở TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ (55%, so với 39%). Công nghiệp hóa đang tiến triển nhanh ở Hà Nội và ĐB sông Hồng, do vị trí gần với các cơ sở công nghiệp lớn của miền Nam Trung Quốc.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Trần Thị Lan Anh cho biết, Tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị trung bình đạt từ 12 - 15%, cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với mặt bằng chung của cả nước. Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế toàn quốc phát triển.
“Tuy nhiên đô thị Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức như mô hình tăng trưởng của các đô thị chưa đa dạng; tăng trưởng thiếu bền vững, phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên; năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế” – bà Lan Anh nhìn nhận.
Cạnh tranh kinh tế - bảo vệ môi trường
Kể từ khi đổi mới vào năm 1986, dân số đô thị ở Việt Nam bắt đầu tăng nhanh. Đánh giá này cho thấy, Việt Nam đang ở những bước đầu tiên của đô thị hóa, và sẽ sớm chuyển sang giai đoạn trung gian với tốc độ đô thị hóa như hiện nay (hiện tại dân số đô thị chiếm 34% dân số toàn quốc, với tốc độ tăng trưởng 3,4% mỗi năm) và với sự chuyển đổi kinh tế ngày càng tăng, hướng tới sản xuất công nghiệp tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm kinh tế hơn.
Theo đánh giá, Việt Nam đang bước vào giai đoạn quan trọng của quá trình đô thị hóa tương ứng với quá trình phát triển kinh tế hiện tại, chính phủ đã đặc biệt chú trọng vào việc phát triển hệ thống đô thị. Cũng theo mục tiêu đó, đánh giá Đô thị hóa được thực hiện để tìm hiểu các khía cạnh và phương diện chính của quá trình đô thị hóa, đồng thời xác định các xu hướng, cơ hội, thách thức và ưu tiên chính sách ưu tiên mà chính phủ cần giải quyết để thực hiện mục tiêu nói trên.
Trong đó, việc đầu tư cho các vấn đề cấp bách về hạ tầng kỹ thuật chưa được ưu tiên giải quyết triệt để, đồng bộ. Các nỗ lực giải quyết chưa thực sự có sự liên kết hệ thống, còn riêng biệt theo ngành. Hệ quả là đô thị sử dụng tài nguyên đai chưa hiệu quả.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu. Kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị yếu. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, khói, bụi gia tăng ở các đô thị lớn… Các đô thị đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải bảo đảm khả năng chống chịu.
Theo ông Ian Green - đại diện Ngân hàng ADB tại Việt Nam, trong phát triển đô thị bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng môi trường đô thị; tiết kiệm năng lượng từ công trình riêng lẻ cho đến các khu vực đô thị có quy mô lớn; phát triển đô thị gắn với phát triển giao thông công cộng; phát triển an toàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát ngập lụt; tái chế chất thải rắn, nước thải, sử dụng năng lượng sạch.
“Tăng cường chiến lược cạnh tranh đô thị phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường đô thị, để thực hiện được vấn đề này thì phả xây dựng năng lực thích ứng, phát triển đô thị và thực hiện các chương trình quy hoạch đô thị dưới dạng hợp tác, huy động các nguồn lực cùng tham gia, đồng thời phải bồi dưỡng nâng cao hiệu quả cho công tác quản trị đô thị” - ông Ian Green nói.