Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho tăng trưởng.
Dù ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Con số này đã phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.
Trong các nguyên nhân chính, tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản đóng vai trò quan trọng. Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - tín dụng bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng theo. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022.
"Điều này cho thấy, nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án" - bà Giang cho biết.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận xét: "Doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng như ngồi chung một chiếc thuyền, lúc khó khăn, trầm lắng ngồi dựa vào nhau còn khi sôi động cùng hưởng lợi nhuận. Vì vốn của doanh nghiệp bất động sản hầu hết đến từ ngân hàng. Điều đó không có nghĩa là bất động sản khó khăn là do ngân hàng, mà từ đó nhìn ở góc độ tích cực để hỗ trợ thị trường bất động sản".
Tìm điểm cân bằng giữa nhiều nhu cầu bức thiết
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, hiện nay thúc đẩy tín dụng là điều cần thiết nhưng cũng cần đảm bảo chất lượng, không để nợ xấu gia tăng mà vẫn đảm bảo an toàn hệ thống. Ông Đào Minh Tú cho biết: "Giữa 2 dòng nước ngược chiều nhau, phải tìm được điểm cân bằng. Nếu vì sợ nợ xấu mà tín dụng đứng im thì cũng không được, mà thả phanh tín dụng cũng không ổn vì vấn đề không chỉ nợ xấu mà còn là an toàn tài chính quốc gia".
Trước mắt, Phó Thống đốc xác định cần mở rộng gia tăng tín dụng cho nền kinh tế. Có những việc đã làm, nhưng bây giờ sẽ phải làm với cường độ cao hơn. Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc câu chuyện hạ lãi suất điều hành vì thực tế lãi suất điều hành không còn tác động mạnh đến thị trường hay các ngân hàng thương mại vì đang thừa thanh khoản. Lúc này là các ngân hàng thương mại phải tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cắt giảm các loại phí, thủ tục, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng bày tỏ thông cảm với các ngân hàng thương mại vì ngân hàng bản chất cũng là doanh nghiệp. Tiền trong ngân hàng là tiền huy động từ người dân nên không thể cho vay thoải mái dẫn đến mất thanh khoản.