Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng tốt, du lịch vẫn nhiều mối lo

Mai Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2017 là năm du lịch Việt Nam ghi nhiều dấu ấn với những con số tăng trưởng chưa từng có trong lịch sử.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu đề ra, ngành “kinh tế xanh” vẫn phải đối mặt với nhiều mối lo.
Tăng trưởng chưa từng có

Năm 2017, lần đầu tiên, phát triển du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị với nhiều giải pháp trọng tâm và đột phá. Cũng trong năm nay, Luật Du lịch (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, ngành công nghiệp không khói đã đạt được những con số tăng trưởng cao chưa từng có. Tính cả năm 2017, Việt Nam đón xấp xỉ 13 triệu lượt khách quốc tế, gần 74 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7,5% GDP. Đây có thể coi là kỳ tích tăng trưởng kỷ lục về tổng số khách quốc tế và mức tăng trưởng lượng khách quốc tế trong một năm.

Du khách quốc tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hồng Hạnh

Cùng với đó, du lịch Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu danh giá của giải thưởng du lịch toàn cầu, đứng thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Hàng triệu khán giả khắp thế giới phải trầm trồ trước cảnh đẹp của Ninh Bình, Hạ Long, Quảng Bình qua bộ phim bom tấn Hollywood "Kong: Đảo đầu lâu". Hình ảnh Việt Nam còn được quảng bá ra thế giới qua các kênh truyền thông lớn như kênh truyền hình CNN, Tạp chí du lịch Lonely Planet, hay Mạng du lịch Trip Advisor và hàng loạt các tờ báo quốc tế khác. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Năm 2017 thực sự là năm đặc biệt đối với ngành du lịch Việt Nam trong lịch sử 57 năm từ khi hình thành đến nay và có lẽ sau này, khó có cơ hội lặp lại những dấu ấn ấy”.

Nhiều nút thắt

Mừng với những thành công đó, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, kết quả trên vẫn còn khiêm tốn với tiềm năng, lợi thế, cũng như so với các quốc gia trong khu vực. TS Lương Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines cho rằng, theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch. Tuy nhiên, xem xét về tổng thể tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn yếu khi được WEF xếp thứ 67 trên 136 nền du lịch được xếp hạng. Những lợi thế về tài nguyên và nguồn nhân lực du lịch Việt Nam bị kìm hãm, thậm chí bị vô hiệu hóa bởi nhiều “nút cổ chai” như: Mức độ cởi mở quốc tế xếp thứ 73; sự quan tâm, ưu tiên phát triển du lịch thứ 101…

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Sự ưu tiên của Chính phủ đối với ngành và chi tiêu của Chính phủ cho ngành du lịch còn thấp, độ mở cửa của ngành so với các quốc gia trong khu vực còn yếu và hạ tầng du lịch kém.

Theo chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm 2018, du lịch Việt Nam cần đón ít nhất 15 - 17 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, việc duy trì tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 60% như 2 năm 2016 - 2017 là một bài toán khó. Do đó, các chuyên gia đều cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề này, ngành du lịch cần sự chung tay vào cuộc và hành động bằng những việc làm thiết thực của các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp và toàn xã hội. Bởi, chỉ khi đó, các “điểm nghẽn” mới dần được tháo gỡ, môi trường du lịch dần được cải thiện đưa Việt Nam thực sự trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn đối với du khách toàn cầu.