Hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa Các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu là một trong những yêu cầu tỉnh Đồng Tháp đã và đang đặt ra để tăng trưởng kinh tế.
Nhiệm vụ trọng tâm
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Quan điểm, mục tiêu, định hướng, những nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh của tỉnh phải đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phải phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, định hướng của Chiến lược và Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đã được thông qua, hướng dẫn của bộ ngành Trung ương và theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh, từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Trong đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Cụ thể: Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 giảm ít nhất 1,0%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%; kinh tế số đạt 10% GRDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 1,6%; trên 60% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2050: Tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GRDP bình quân mỗi giai đoạn (10 năm) giảm 1,0%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 25 - 30%; phấn đấu kinh tế số đạt 20% GRDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 1,6%; trên 70% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Xanh hóa nền kinh tế
Chú trọng xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.
Điển hình như: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 40%.
Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt 5%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 25% so với tổng số xe buýt đang hoạt động; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 50% so với tổng số xe buýt mới; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%; từng bước thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng thông minh, bền vững, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2050 tất cả chỉ tiêu tăng tỉ lệ từ 5% đến 15%.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng chú trọng xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu. Đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050: Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75 -0,8; xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế trên 98%, trong đó, tỷ lệ dân số thành thị được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100% và tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt trên 98%.