Tăng tuần thứ 6 liên tiếp, giá xăng dầu kỳ vọng phá đỉnh 1 năm

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận tuần tăng giá thứ 6 liên tiếp của dầu thô, giá xăng dầu thiết lập mức cao nhất trong 1 năm qua nhờ nhu cầu tiêu thụ được thúc đẩy mạnh bởi tình trạng khan hiếm khí đốt tại nhiều quốc gia.

Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu WTI niêm yết trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 75,74 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 79,12 USD/thùng.
Ảnh minh họa.
Các chuyên gia phân tích, giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 27/9 với xu hướng tăng mạnh nhờ hầu hết các yếu tố, cả cung và cầu trên thị trường đều ủng hộ.
Các chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá toàn cầu tiếp tục được thúc đẩy nhằm thích ứng với “trạng thái bình thường mới” trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.
Thị trường dầu thô cũng đang trong trọng thái cầu vượt cung khi nguồn cung dầu đang có phần “hụt hơi” so với đà phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu tiêu thụ tại các nền kinh tế lớn đang tiêu thụ năng lượng lớn nhất, đặc biệt là tại Mỹ và Trung Quốc. Việc các chính phủ và các nhà sản xuất xả mạnh kho dự trữ chiến lược nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, đồng thời để kiểm soát giá dầu nhằm giảm tải áp lực đối với quá trình hồi phục kinh tế, giường như vẫn không khoả lấp sự thiếu hụt này.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ sáng 27/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 74,80 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 78,88 USD/thùng.
Đến phiên ngày 28 và 29/9, giá dầu đi xuống nhẹ vì lạm phát gia tăng làm giảm nhu cầu hàng hoá của người tiêu dùng, cũng như lo ngại các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hoá bị gián đoạn, đứt gãy bởi tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu thô, nhưng kéo theo tình trạng thu hẹp, giảm công suất sản xuất, dẫn đến gia tăng tình trạng khan hiếm nhiều loại hàng hoá, vốn dĩ đang thiếu hụt và giá cả tăng cao, tạo lực cản kéo tụt đà tăng trưởng, phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nguồn cung dầu thô đang được cải thiện khi các hoạt động khai thác ở Vịnh Mexico được phục hồi dần, chính phủ nhiều nước và các nhà cung cấp xả mạnh khó dự trữ dầu chiến lược… cũng góp phần hạ nhiệt giá dầu.
Trạm kiểm định xăng dầu của PVOIL (ảnh minh họa).
Lạm phát toàn cầu được cảnh báo sẽ tiếp tục tăng và kéo dài trong nhiều tháng sẽ khiến các nhu cầu chi tiêu cho các hoạt động tiêu dùng, du lịch... giảm, tác động tiêu cực đến một loạt thành phần chủ chốt tiêu thụ dầu toàn cầu là hàng không, vận tải biển…
Sáng 29/9, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 74,65 USD/thùng, dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 78,50 USD/thùng, giảm 0,59 USD/thùng trong phiên.
Đà giảm của giá dầu khá hạn chế nguồn cung dầu thô trên thị trường vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu tiêu dùng của thị trường hiện đang trở lại mức trước đại dịch.
Do đó, giá dầu thô trong 2 phiên giao dịch cuối tuần đã quay đầu tăng mạnh. Dự báo lạc quan về nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong những năm tới của OPEC trong bối cảnh thị trường ghi nhận nhiều cảnh báo về tính 2 mặt của tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu, Trung Quốc và đang có dấu hiệu lan sang Mỹ được xem là động lực đã thúc đẩy giá dầu đi lên.
Trong báo cáo về Triển vọng Dầu mỏ thế giới được phát đi ngày 28/9, OPEC cho thấy, nhu cầu dầu thô sẽ tăng trở lại mức trước đại dịch trong năm 2022 và tiếp tục tăng thêm 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Theo Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo, nhu cầu dầu thô sẽ tiếp tục tăng từ nay đến 2045 và dây vẫn sẽ là nguồn năng lượng chủ đạo, chiếm 28% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2045.
Nhu cầu dầu thô cũng sẽ tăng từ mức 90,6 triệu thùng/ngày vào năm 2020 lên mức 108,2 triệu thùng/ngày vào năm 2045, tức tăng 17,6 triệu thùng/ngày.
Là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây cho biết, Trung Quốc sẽ đảm bảo cung cấp các nhu cầu năng lượng, điện và sẽ giữ các hoạt động kinh tế trong phạm vi hợp lý.
Sau tuyên bố trên, trước tình trạng thiếu hụt năng lượng tại một số khu vực, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty năng lượng quốc doanh hàng đầu của nước này, từ than đá đến điện và dầu, phải đảm bảo nguồn cung cho mùa Đông tới bằng mọi giá.
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của trung tâm OANDA Edward Moya chỉ ra, nếu Trung Quốc chấp nhận một mức giá cao hơn để mua năng lượng, các hoạt động kinh tế được duy trì ở mức hợp lý thì có thể khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu thêm trầm trọng.
Nhu cầu dầu thô được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao khi tình trạng giá khí đốt tăng cao đang thúc đẩy các nhà sản xuất điện ở châu Âu, Trung Quốc chuyển hướng sang sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu hoặc diezel để thay thế.