Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tuổi nghỉ hưu: Giáo viên mầm non sẽ dạy trẻ tự kỷ

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các giáo viên lớn tuổi có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nếu cần thì bồi dưỡng, đào tạo để dạy trẻ tự kỷ, khiếm thị, tăng động.

Chiều 8/8, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức Hội thảo về chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự án Bộ luật lao động (sửa đổi).
Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH Phạm Trường Giang thông tin, có rất nhiều người vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu. Theo tính toán của Vụ Bảo hiểm xã hội, 60% người cao tuổi trong độ tuổi từ 60 - 69 sau khi nghỉ chế độ vẫn tiếp tục làm việc, độ tuổi 70 - 79 đang làm việc chiếm 30% và độ tuổi từ 80 trở lên là 11%.
Tăng tuổi nghỉ hưu, giáo viên mầm non sẽ chuyển sang dạy trẻ tự kỷ. Ảnh: Internet
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 đối với 183 nước thì Việt Nam xếp 41. Số năm khỏe mạnh trung bình của người Việt Nam là 17,2 sau 60 tuổi nên việc điều chỉnh phụ nữ làm việc tăng thêm 5 tuổi và nam thêm 2 tuổi là hoàn toàn khả thi.
Ông Trường Giang cũng chỉ ra việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực như góp phần chủ động ứng phó với vấn đề thiếu hụt lao động trong tương lai không xa.
Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng cơ hội việc làm và thăng tiến cho người lao động. Đặc biệt, giúp phụ nữ bình đẳng hơn trong lựa chọn việc làm cũng như nâng cao vị thế của nữ giới trong xã hội.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu góp phần đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội và tài chính của hệ thống an sinh xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với đóng góp tăng trưởng hằng năm khoảng 0,218%.
Đặc biệt là đảm bảo bền vững xã hội, bởi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già sẽ giảm từ 6,6 người trong độ tuổi lao động 15 - 59 tuổi (năm 2015) xuống còn 2,1 người vào năm 2025.
Cùng với việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nam từ 60 lên 62, nữ 55 lên 60, ông Trường Giang cho rằng cần có các chính sách đi cùng để không xảy ra khủng hoảng đối với thị trường lao động và toàn bộ nền kinh tế.
Cụ thể, đối với các công chức lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước, chính sách cán bộ cần được sửa đổi theo hướng chỉ giữ chức vụ đến năm 60 tuổi. 2 năm còn lại không giữ chức mà có người lao động có nghĩa vụ chuyển giao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho cán bộ trẻ.
Đối với giáo viên mầm non, tiểu học khó có thể kéo dài thời gian làm việc (60 tuổi với nữ, 62 với nam) thì thực hiện bằng chính sách khác. Chẳng hạn, trong trường học ngoài việc dạy chữ, còn có những trẻ tăng động, tự kỷ, khiếm khuyết về ngôn ngữ, hạn chế năng lực tư duy.
Vì thế, các giáo viên lớn tuổi có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, cần được đào tạo, bồi dưỡng để đảm nhiệm dạy những đối tượng này.
“Ngành Giáo dục phải vào cuộc, bố trí lại lao động, tổ chức lại công việc, đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ và gia đình trẻ. Đây cũng là cách để thúc đẩy chất lượng giáo dục tốt lên” - ông Trường Giang đề xuất.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi lao động nam đủ 62 tuổi, lao động nữ đủ 60 tuổi.

NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.

NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định.