Các chuyên gia đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay, và không thực hiện tăng đồng loạt mà nên có lộ trình.
Giữ nguyên tuổi nghỉ hưu
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi lần 2) đưa ra 2 phương án về tuổi nghỉ hưu. Trong đó, với phương án 1, như hiện hành, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi; Phương án 2, từ 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án này chủ yếu nhằm đảm bảo cân đối quỹ hưu trí và tử tuất dài hạn; tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên 73,4 (năm 2016) và đang chuyển sang giai đoạn già hóa dân số; nhiều nước đã tăng tuổi nghỉ hưu, có quốc gia lên tới 67 tuổi…
TS. Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và phát triển hòa nhập cho rằng: “Cách phân tích của Bộ LĐTB&XH chưa đầy đủ, toàn diện. Bộ chỉ mới nghiêng về lý giải các áp lực tăng mà chưa phân tích kỹ những yếu tố tác động không thuận chiều”. Đặc biệt, khi tốc độ tăng trưởng việc làm luôn thấp hơn tốc độ tăng lực lượng lao động, dưới 1% so với 1,65% (ở giai đoạn 2011 – 2015); nước ta đang dư thừa lao động, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến cơ hội việc làm của thanh niên; tuổi thọ bình quân của người Việt khá cao, nhưng trung bình mỗi người có 12 năm đau ốm… Bởi vậy, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ tác động rất nhỏ đến cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí.
Trong khi đó, TS Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (CVĐXHCQH) cho biết, có một số ý kiến cho rằng Chính phủ chỉ cần hướng dẫn cụ thể Điều 187 trong Bộ luật Lao động 2012 về tuổi nghỉ hưu là đủ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu không quá 5 năm đã được quy định đối với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Đồng quan điểm, TS. Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực Ủy ban CVĐXHCQH nhấn mạnh, không nên xem xét điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại thời điểm 1/1/2021, mà phải trong 10 năm tới. Hơn nữa cần hướng dẫn cụ thể khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động 2012, bổ sung các nhóm đối tượng khác, nhất là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt cho đầy đủ.
Không thực hiện đồng loạt, có lộ trình
Nhiều chuyên gia lưu ý nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu, không chỉ người trẻ mất cơ hội việc làm mà còn ảnh hưởng đến công tác quy hoạch cán bộ, tổ chức cũng như các chính sách. “Nhiều người dân cho rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi đối với cán bộ, công chức khu vực hành chính. Đây là biểu hiện của tham quyền cố vị” – ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin.
Tuy nhiên TS. Nguyễn Đình Quyền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp nghiêng về phương án nâng tuổi nghỉ hưu vì phải có tầm nhìn dài hạn trong điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình và phù hợp với Hiến pháp 2013. Không những thế, việc nâng tuổi nghỉ hưu là tiếp cận xu thế chung của các nước cũng như thực hiện các tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế. Ông Nguyễn Đình Quyền đề nghị, trong tờ trình Chính phủ cần phải phân tích thật kỹ trên cơ sở bằng chứng để đánh giá tác động của từng yếu tố đến tăng tuổi nghỉ hưu cả về mặt thuận chiều và không thuận để có cơ sở chắc chắn thuyết phục.
TS Nguyễn Hữu Dũng lại đề xuất không tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt cho tất cả các loại lao động làm việc ở mọi lĩnh vực, ngành, nghề mà chỉ áp dụng cho những người có trình độ cao và ở khu vực (hành chính nhà nước, sự nghiệp công, sản xuất áp dụng công nghệ cao…). Việc nâng tuổi nghỉ hưu cũng phải có lộ trình phù hợp với trình độ phát triển của đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050 và xa hơn.
Kéo dài tuổi nghỉ hưu thì phải tính đến chế độ, chính sách cho người nghỉ chế độ sớm một cách linh hoạt, phù hợp với quan hệ đóng – hưởng. Từ quan điểm này, ông Lưu Bình Nhưỡng đưa ra ví dụ: Hỗ trợ lao động nghỉ hưu sớm chuyển nghề phù hợp và vẫn tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nếu chưa hưởng lương hưu; quy định mức lương hưu thấp tương ứng với mức đóng BHXH thấp hơn so với khi đủ tuổi mới về hưu. Về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Điều 148, khoản 2, quy định một số đối tượng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định, Viện trưởng Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và phát triển hòa nhập đề nghị cần phải tính toán kỹ để lựa chọn tối ưu, thuyết phục. Vì nếu giữ khoảng cách 5 năm như hiện hành, về thực chất cũng là tăng tuổi nghỉ hưu cho nhóm này: lao động nam lên 57 tuổi, tăng 2 năm; lao động nữ lên 55 tuổi, tăng 5 tuổi.
Tăng tuổi nghỉ hưu không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay vì họ không thể làm việc đến lúc đủ tuổi (nam 60, nữ 55) để được hưởng chế độ hưu đầy đủ. Ông Mai Đức Chính Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |