Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng xả nước giúp giảm mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/3 đến nay, các hồ thủy điện từ thượng nguồn có lưu lượng xả về hạ lưu đã tăng dần. Cùng với mưa trái mùa xuất hiện diện rộng, việc xả nước từ thủy điện thượng nguồn sẽ góp phần giảm mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)...

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho hay, 2 yếu tố thượng lưu quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie ở Campuchia.

Tại trạm Kratie, mực nước trong tuần qua ổn định ở mức trên 7m, cao hơn mực nước trung bình nhiều năm. Tại Biển Hồ, dung tích Biển Hồ hiện còn lại khoảng 2,41 tỷ m3, cao hơn các mùa khô 2015 - 2016, 2019 - 2020, 2020 - 2021, tuy  nhiên, thấp hơn trung bình nhiều năm.

Tại Việt Nam, dự báo xu thế mực nước đầu nguồn ĐBSCL tại trạm Tân Châu (sông Tiền) và Châu Đốc (sông Hậu) sẽ tăng trong thời gian tới.

Từ ngày 1/3 đến nay, các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn có lưu lượng xả về hạ lưu đã tăng dần, hiện lưu lượng đạt khoảng 2.300m3/s.

Dự báo dòng chảy bình quân về ĐBSCL từ tháng 3 đến cuối mùa khô lưu lượng bình quân ở mức cao hơn trung bình ở các tháng 3 và 4. Tuy vậy, diễn biến dòng chảy về ĐBSCL phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn và có thể xảy ra các vận hành bất thường.

Ở vùng thượng ĐBSCL, nguồn nước dồi dào, đảm bảo thực hiện các kế hoạch sản xuất. Ảnh: Giang Lam
Ở vùng thượng ĐBSCL, nguồn nước dồi dào, đảm bảo thực hiện các kế hoạch sản xuất. Ảnh: Giang Lam

Tiềm năng nguồn nước tự nhiên về ĐBSCL mùa khô 2021 - 2022 thuộc năm thủy văn ít nước, nhưng có sự điều tiết gia tăng từ các thủy điện trên lưu vực, cùng với mưa trái mùa diện rộng đã xuất hiện ở ĐBSCL.

Xâm nhập mặn trong tháng 3/2022 có xu hướng giảm dần. Việc xả nước gia tăng từ thủy điện ở thượng nguồn sẽ có tác động tích cực đến ĐBSCL từ ngày 25/3 trở đi, góp phần giảm mặn ở đầu tháng 4, mực nước cao nhất trên đồng bằng sẽ tăng thêm khoảng 6 - 10 cm.

Dự báo xâm nhập mặn lớn nhất trong tháng 3 với ranh mặn 1g/l trên sông Tiền  52 - 54 km; sông Hàm Luông 68 - 72 km, các cửa sông khác 54 - 60 km; trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu 90 - 100km.

Ở vùng thượng ĐBSCL (bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng  nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ), nguồn nước dồi dào, đảm bảo thực hiện các kế hoạch sản xuất.

Vùng giữa ĐBSCL (bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), mặn có thể xâm nhập sâu đến 52 - 60km (tùy cửa sông).

Vùng ven biển ĐBSCL thuộc các tỉnh Long An,  Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này.

Tiềm năng nguồn nước tự nhiên về ĐBSCL mùa khô 2021 - 2022 thuộc năm thủy văn ít nước. Tuy nhiên, do có điều tiết gia tăng từ các thuỷ điện trên lưu vực, mưa trái mùa diện rộng đã xuất hiện ở đồng bằng, xâm nhập mặn trong tháng 3/2022 có xu hướng  giảm dần.

Từ đầu tháng 3 đến nay, xuất hiện mưa nhỏ ở một vài nơi thuộc các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL như: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… với lượng trung bình khoảng 10 mm.

Từ nay đến cuối tháng 3, dự báo tiếp tục có mưa xuất hiện trên toàn vùng với lượng khoảng 10 - 20mm, đặc biệt ở vùng thượng ĐBSCL (bao gồm Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên) có thể lên tới 30mm.

Cùng với mưa, việc xả nước gia tăng từ thủy điện ở Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến ĐBSCL từ 25/3 trở đi, góp phần giảm mặn ở đầu tháng 4.

Dự báo, hiện tượng ENSO đang ở pha lạnh, ảnh hưởng của La Nina tiếp tục kéo dài đến tháng 5, sau nghiêng về trung tính, mùa mưa năm 2022 sẽ đến sớm.