Tạo chuyển biến mạnh trong điều động, luân chuyển cán bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái trao quyết định luân chuyển cho 15 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý vào tháng 1/2014. Ảnh: Đức Giang

Trong những năm qua, việc thực hiện hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ của Đảng bộ TP Hà Nội đã góp phần tích cực thúc đẩy công việc cũng như sự phát triển chung của từng ngành, đơn vị, địa phương; đồng thời thực hiện chính xác, khách quan hơn trong đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ. Tuy nhiên, để công tác này thực sự thành nền nếp, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực thì vẫn cần sự quyết tâm và nhận thức đúng đắn hơn của các cấp, các ngành.

 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái trao quyết định luân chuyển cho 15 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý vào tháng 1/2014. Ảnh: Đức Giang
Kinhtedothi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái trao quyết định luân chuyển cho 15 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý vào tháng 1/2014. Ảnh: Đức Giang
Trưởng thành từ thực tế

Tháng 4/2012, xã Phú Túc là điểm nóng về tranh chấp đất đai giữa người dân hai thôn Tư Sản và Lưu Thượng. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương chưa quyết liệt, hiệu quả. Nhận thức rõ vấn đề, Huyện ủy Phú Xuyên đã điều động đồng chí Phạm Hải Hoa (SN 1974), từ Trưởng ban Dân vận Huyện ủy về làm Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc. Tuy nhiên, việc đưa một cán bộ nữ, trẻ, chưa qua công tác cơ sở về đảm nhiệm vị trí đứng đầu cấp ủy Phú Túc lúc đó có những băn khoăn. Bản thân đồng chí Hoa cũng lo lắng vì điều kiện đi lại khó khăn, địa bàn phức tạp... Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, việc Nhân dân hai thôn hóa giải tranh chấp, tự phá dỡ bờ bao để chính quyền xã phân chia lại ruộng đất theo quy định, đã chứng minh sự đúng đắn trong công tác cán bộ của huyện cũng như nỗ lực của bản thân cán bộ được luân chuyển. Thành công ấy cũng đã được TP ghi nhận và tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 01 mới đây, lãnh đạo TP đã đề nghị Huyện ủy Phú Xuyên khi làm công tác quy hoạch, cần bố trí đồng chí Phạm Hải Hoa vào vị trí cao hơn.

Thực hiện Nghị quyết 15 năm của Quốc hội, từ năm 2008 đến nay, TP Hà Nội đã có 146 cán bộ được luân chuyển, điều động từ khối các cơ quan Đảng, đoàn thể sang chính quyền; từ các sở, ban, ngành về công tác tại các quận, huyện, thị xã và ngược lại. Hầu hết cán bộ trong diện này đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều đóng góp trên cương vị công tác mới. Một số đồng chí sau thời gian "thử lửa" tại cơ sở đã trưởng thành, được TP bổ nhiệm những chức vụ quan trọng hơn. Tại các đơn vị, địa phương cũng sẽ từng bước đáp ứng nhu cầu về chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt; góp phần tích cực ổn định nội bộ; khắc phục tình trạng "xôi đỗ" nơi thừa, nơi thiếu cán bộ hoặc đặt cán bộ vào những vị trí chưa đúng sở trường, năng lực…

Vẫn còn những băn khoăn

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc luân chuyển cán bộ là không dễ dàng. Về mặt tâm lý, cán bộ được luân chuyển, điều động không tránh khỏi suy nghĩ e ngại, băn khoăn khi phải rời khỏi môi trường công tác quen thuộc cùng sự thành thạo nhất định trong công việc được giao, bên cạnh đó là những mối quan hệ xã hội cùng nhu cầu cá nhân đã được xây dựng và định hình… Bên cạnh đó, không phải không có những "địa chỉ", những con người cụ thể vì tư tưởng cục bộ, khép kín, động cơ cá nhân mà cản trở, gây khó khăn, làm giảm uy tín của cán bộ được điều động tới công tác hoặc lợi dụng việc luân chuyển cán bộ để "đẩy" những người thẳng thắn, có năng lực nhưng không thuộc ê kíp, làm việc không hợp với mình hoặc có mâu thuẫn với mình đi nơi khác… Tình trạng này đã từng xảy ra ở một số địa phương khác.

Cán bộ phải vì việc chung

Đánh giá về kết quả công tác luân chuyển điều động cán bộ 5 năm qua, bên cạnh những mặt tích cực, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã thẳng thắn chỉ ra một số khuyết điểm trong công tác này. Đó là vẫn có cán bộ chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của mình, chưa yên tâm công tác, đạt tín nhiệm thấp ở địa phương, có người vi phạm đạo đức lối sống và có người bị kỷ luật. Một số cấp ủy chính quyền chưa tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ luân chuyển, thậm chí có nơi cục bộ khép kín, gây khó khăn cho cán bộ luân chuyển và thể hiện ý thức tổ chức chưa cao.

Để khắc phục tình trạng trên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, mỗi cán bộ cần phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, vì việc chung trên mỗi cương vị được giao. Cùng với đó, Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì cùng Ban chỉ đạo 9 Chương trình công tác của Thành ủy và các Ban Đảng tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền đoàn thể cho đội ngũ cán bộ được luân chuyển điều động. Thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ được luân chuyển. Hàng năm đánh giá cán bộ được luân chuyển điều động. Đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ngành cần phân công công việc, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho cán bộ được luân chuyển điều động. Có như vậy, công tác luân chuyển từ TP đến cơ sở mới tạo được sự chuyển biến toàn diện và đạt hiệu quả thực chất nhất.