Tạo chuyển biến trong phòng chống cháy rừng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết Hà Nội đang vào mùa hanh khô với nguy cơ cháy rừng cao, đòi hỏi các địa phương, lực lượng chức năng và người dân tuyệt đối không chủ quan, lơi là cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Phòng hỏa hơn cứu hỏa

Ðể giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, hàng năm, UBND TP Hà Nội đều ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường biện pháp cấp bách bảo vệ, PCCCR. Thực hiện chỉ đạo của TP, các địa phương có rừng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp PCCCR.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hầu hết các vụ cháy rừng đều xảy ra vào thời điểm nắng nóng hoặc hanh khô kéo dài, gió thổi mạnh, dù phát hiện kịp thời nhưng công tác chữa cháy vẫn gặp nhiều khó khăn, các phương tiện chữa cháy chuyên dụng khó tiếp cận hiện trường nên việc phòng cháy, chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ" là rất quan trọng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn tuần tra rừng trên địa bàn quản lý.  
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn tuần tra rừng trên địa bàn quản lý.  

Theo ông Chu Phú Mỹ, chính lực lượng tại chỗ sẽ kịp thời phát hiện cháy và chủ động chữa cháy khi lửa chưa lan rộng nên hiệu quả chữa cháy sẽ cao. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí cho công tác PCCCR còn hạn hẹp, dụng cụ, trang thiết bị cho lực lượng tại chỗ còn thiếu, đa số là dụng cụ thô sơ như: Cuốc, xẻng, bình bơm nước cỡ nhỏ… Cá biệt có trường hợp người dân cố tình lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm gia tăng nguy cơ cháy. Trong khi đó, phần lớn các vụ cháy rừng thời gian qua chưa được xử lý đến nơi đến chốn và không tìm ra được đối tượng gây cháy.

Để công tác PCCCR hiệu quả, nhất là trong mùa hanh khô, TP Hà Nội đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở với nhiệm vụ này. Hiện, Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã có rừng, chủ rừng, lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân sống trong và gần rừng cùng khách du lịch nâng cao ý thức về PCCCR; phân công các lực lượng thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.

Kiểm lâm địa bàn là lực lượng nòng cốt

Nhận thức rõ việc nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR cho lực lượng cán bộ kiểm lâm có vai trò đặc biệt quan trọng, hàng năm, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đều tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức kiểm lâm địa bàn. Theo đó, cán bộ, công chức kiểm lâm địa bàn sẽ làm nòng cốt hướng dẫn Nhân dân ở các thôn, bản có rừng nâng cao kỹ năng phòng, chống cháy rừng; biện pháp tiếp cận đám cháy và sử dụng dụng cụ chữa cháy rừng… Đồng thời, cán bộ kiểm lâm còn có nhiệm vụ tham mưu cho chính quyền các xã có rừng lập phương án, kế hoạch huy động lực lượng “bốn tại chỗ”, chỉ huy chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, cán bộ, công chức kiểm lâm còn được hướng dẫn phương pháp xác định nguyên nhân cháy rừng, điều tra thủ phạm gây cháy rừng, hoàn thiện hồ sơ vi phạm và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý đối tượng gây cháy rừng theo quy định của pháp luật.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, hiện tượng thời tiết nắng nóng gia tăng, nguy cơ cháy rừng cũng như chặt phá, lấn chiếm rừng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, đòi hỏi sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tạo ra những chuyển biến mới cho quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn TP. Thực tế cho thấy, đối với các vụ cháy rừng tại Hà Nội, đa phần là do con người chủ quan, bất cẩn trong sử dụng lửa gây ra. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong phòng ngừa cháy rừng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn nghiệp vụ về sử dụng phương tiện PCCCR và tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ rừng cấp huyện, xã, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Song song với đó, các cán bộ kiểm lâm luôn nắm chắc địa bàn, theo dõi sát tình hình, thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa cháy từng triệt để, hiệu quả.

 

11 tháng năm 2022, toàn TP Hà Nội xảy ra 12 vụ cháy, gây thiệt hại gần 17ha rừng. Diễn biến cháy rừng phức tạp nhất vẫn là địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì và đều xảy ra vào cao điểm mùa hanh khô.

 

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần