Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tiêu biểu như đội tuyển bóng đá nam quốc gia hai lần đạt thành tích vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) vào các năm 2008 và 2018; năm 2022, đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành quyền thi đấu vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á.
Đội tuyển bóng đá nữ giành quyền tham dự World Cup 2023; đội tuyển U23 quốc gia hai lần giành HCV liên tiếp tại các kỳ SEA Games vào năm 2019 và 2021; đội tuyển bóng đá nữ xuất sắc giành 7 HCV SEA Games (đặc biệt là ba kỳ SEA Games liên tiếp vào các năm 2019, 2021, 2023).
Đội tuyển futsal Việt Nam xuất sắc hai lần tham dự vòng chung kết giải vô địch futsal thế giới vào các năm 2016 và 2020.
Bên cạnh đó, các đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia U20, U19, U17, U15 bao gồm nam và nữ đều đứng trong tốp đầu khu vực và luôn giành quyền tham dự vòng chung kết các giải trẻ của châu Á.
Mặc dù vậy, bóng đá Việt Nam vẫn còn những chỉ tiêu chưa đạt như kỳ vọng. Từ thực trạng bóng đá Việt Nam hiện tại cũng như để bắt kịp xu thế phát triển của bóng đá châu lục và thế giới đòi hỏi sớm xây dựng Đề án phát triển bóng đá Việt Nam cho những giai đoạn tiếp theo.
Theo báo cáo của Phòng Thể thao thành tích cao 2 (Cục Thể dục thể thao), Phòng đang phối hợp cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo Đề án khung. Trên cơ sở đó lấy ý kiến rộng rãi từ các nhà quản lý, đơn vị chuyên môn, chuyên gia để Đề án đảm bảo được tính ưu việt, phù hợp nhất.
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết, khi triển khai xây dựng Đề án phát triển bóng đá trong giai đoạn tiếp theo phải có kết quả đánh giá (bóng đá trẻ, bóng đá chuyên nghiệp…) thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cho đến thời điểm này. Từ đó làm cơ sở nền tảng để xây dựng dự thảo Đề án phát triển cho giai đoạn mới với những mục tiêu, chỉ tiêu sát thực, phù hợp.
Được biết, trong dự thảo Đề án phát triển bóng đá Việt Nam giai đoạn từ 2030 – 2045, sẽ chú trọng tới đầu tư cho các đội tuyển bóng đá trẻ, U23; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các giải bóng đá chuyên nghiệp.
Đồng thời tạo cơ chế thu hút cầu thủ nước ngoài gốc Việt về thi đấu cho các CLB chuyên nghiệp, qua đó tạo nguồn để bổ sung cho đội tuyển quốc gia. Mở rộng cơ chế xã hội hóa để thu hút nguồn lực đầu tư cho các đội tuyển, đội tuyển trẻ...
Về các giải pháp lâu dài, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục phát triển mạnh bóng đá phong trào, bóng đá học đường; tăng cường đào tạo bóng đá trẻ; nâng cao chất lượng giải đấu bóng đá chuyên nghiệp và các CLB bóng đá chuyên nghiệp.
Cùng với đó, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia có nền bóng đá phát triển; tăng cường giải pháp về khoa học công nghệ, y học, dinh dưỡng và điều kiện hậu cần, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên.