Tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học kỳ DN kéo dài 6 tháng được đề xuất tại hội thảo “Chung tay giải quyết việc làm cho tân sinh viên (SV)” diễn ra sáng 6/6 tại Hà Nội được xem là câu trả lời cho câu hỏi hóc búa: Tại sao nhiều SV tốt nghiệp loại giỏi, nhưng không được DN tuyển dụng?

Sinh viên phỏng vấn tìm việc tại ''Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp 2015''. 	Ảnh: Sơn Trà
Sinh viên phỏng vấn tìm việc tại ''Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp 2015''. Ảnh: Sơn Trà
Thừa cử nhân, thiếu nhân lực

Hiện nay, hơn 174.000 cử nhân không tìm được việc làm, 37% cử nhân được tuyển dụng không đáp ứng được yêu cầu công việc. Thực tế cho thấy, cử nhân đúng chuyên môn không tìm được việc thì đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế, trong khi đó DN đỏ mắt không tìm được người giỏi nghề. Và có những SV ra trường được DN tuyển dụng ngay với mức lương rất cao, bởi trong quá trình học, SV đã chủ động định hướng và có mục tiêu nghề nghiệp, bên cạnh đó nhiều bạn có bằng thạc sĩ vẫn không tìm được việc làm. 

Ông Vũ Lộc An – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông, Sở TT&TT Hà Nội - đơn vị tổ chức hội thảo, đưa ra một số vấn đề tân cử nhân đang gặp phải. Đó là các em chỉ có kiến thức cơ bản trong đào tạo, mà DN cần kiến thức nghề nghiệp. Khi học trong nhà trường, SV không được chú trọng trang bị kinh nghiệm làm việc, đã thế nhiều SV còn gian dối trong thực tập bằng cách đi mua hoặc mượn báo cáo của SV khóa trước xào xáo thành của mình và xin chữ ký của DN. Nhiều trường ĐH, CĐ chú trọng rèn luyện kỹ năng, nhưng chưa sâu rộng. Vì thiếu kỹ năng giao tiếp và phỏng vấn nên nhiều em có bằng cấp cao nhưng khi đi phỏng vấn lại chẳng biết nói gì để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Tân cử nhân cũng gặp vấn đề về tài chính để bổ sung kiến thức kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Ngay cả chuyện các em rất hay “nhảy việc” để xem công ty nào có lương cao, chế độ làm việc tốt cũng khiến DN không muốn tuyển dụng vì sợ bị lộ bí quyết kinh doanh, mất công đào tạo.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Hướng nghiệp và Phát triển giáo dục ICADO còn đưa ra mâu thuẫn lớn giữa tân cử nhân và DN cần được giải quyết. Thực tế, DN luôn sẵn sàng đào tạo người làm mới, song tân cử nhân không nghĩ vậy, thậm chí nhiều SV tốt nghiệp loại giỏi nghĩ rằng kiến thức trong nhà trường là đủ. Các em không nghĩ đến việc công nghệ luôn thay đổi, sản phẩm luôn đổi mới nên cần phải được trang bị bổ sung kiến thức chuyên môn.

Cần một học kỳ doanh nghiệp

Đại diện nhiều DN cho rằng, cần có sự hợp tác giữa DN và nhà trường để đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Đưa ra giải pháp, ông An giới thiệu mô hình đào tạo kết hợp tuyển dụng, tân cử nhân được cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà không cần đầu tư tài chính. Mô hình này chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu là cung cấp kiến thức và kỹ năng mềm. Giai đoạn này sẽ có bước kiểm tra, loại bỏ những tân cử nhân không làm được việc, không mặn mà với công việc. Giai đoạn thứ hai là đưa những dự án đang hình thành ý tưởng cho SV làm đồ án tốt nghiệp (tất nhiên có sự kết hợp của chuyên gia). Trong ngày SV bảo vệ, DN tham dự và thấy đồ án của em nào khả thi thì có thể tuyển dụng làm việc.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Trọng Nghĩa lại đưa ra 2 giải pháp mà ICADO đang thực hiện. Giải pháp ngắn hạn là tổ chức các khóa thực hành nghề nghiệp trong SV và đưa SV đến DN thực tập tình huống. Giải pháp dài hạn cần sự hợp tác của 4 bên gồm nhà trường – SV – DN lao động – DN đào tạo để xây dựng Học kỳ DN kéo dài 6 tháng, giúp SV học kỹ năng nghề nghiệp và thực hành công việc. 

Theo mô hình học kỳ DN, yêu cầu DN sử dụng lao động sớm có quy hoạch tuyển dụng nhân sự và chuyển cho DN đào tạo. DN sẽ tổ chức cho các em được thực hành, trang bị những kỹ năng mềm cơ bản. Với mô hình này, SV rất cần được nhà trường bố trí toàn bộ thời gian để toàn tâm đến DN làm việc, thay vì yêu cầu các em làm báo cáo. Kết quả của khóa học này sẽ là DN tuyển dụng nhận các SV làm được việc, còn SV tham gia học kỳ DN phải trả phí bằng tháng lương đầu tiên mà DN tiếp nhận trả.

Đại diện nhiều trường ĐH tỏ ra đồng tình với mô hình học kỳ DN, nhưng để tổ chức học kỳ này cần nghiên cứu kỹ, bởi chương trình đào tạo các ngành học đã được Bộ GD&ĐT quy định, nhiều trường đang muốn rút ngắn thời gian đào tạo từ 4 năm xuống còn 3,5 năm để SV tốt nghiệp sớm. Mô hình này nên được thiết kế vào năm cuối cùng, trước mắt, nếu có thể bố trí thời gian 3 - 4 tháng để sự kết hợp đào tạo giữa nhà trường và DN đạt hiệu quả.