Quy hoạch hai thành phố trực thuộc Thủ đô:

Tạo cực tăng trưởng mới, giảm nén cho trung tâm

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiều nội dung quan trọng đang được TP Hà Nội tập trung nghiên cứu trong nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, việc nghiên cứu hình thành hai TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây là nội dung đáng chú ý.

Lời giải cho bài toán quá tải đô thị

Nhiều năm qua, TP Hà Nội phát triển hướng vào trung tâm, khiến cho dân số ở các quận nội thành tăng nhanh. Tình trạng này dẫn đến nảy sinh những bất cập như quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, úng ngập…

Một góc huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Một góc huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Để giải quyết những bất cập trên, thời gian tới đây, TP Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh bằng việc thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình TP trực thuộc TP.

Theo đó, Hà Nội tính đến xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại các huyện phía Bắc gồm: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Đây sẽ là TP dịch vụ, hội nhập quốc tế và lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển. TP thứ hai trong lòng Thủ đô Hà Nội dự kiến được xây dựng ở phía Tây là khu vực Hòa Lạc hiện nay. Đây định hướng sẽ là TP khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, hiện nay, xu hướng xây dựng theo mô hình “TP trong TP” đang được bắt đầu triển khai ở Việt Nam: TP Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình này (TP Thủ Đức trực thuộc); TP Hải Phòng đang triển khai. Định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội nhằm đảm bảo tỷ lệ đô thị hóa và xem xét tiềm lực “cực phát triển ”cho thấy hướng chọn của Hà Nội theo mô hình này rất cần thiết.

Phát triển TP thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc Hà Nội, kết nối với 2 TP lân cận phía Bắc (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) sẽ hình thành “trung tâm của 3 trung tâm” - 3 cụm động lực phát triển kinh tế vùng theo định hướng Quy hoạch vùng Thủ đô (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh).

Còn đối với việc phát triển “TP thuộc Thủ đô” ở khu vực phía Tây tại khu vực đô thị Hòa Lạc, cùng với các đô thị vệ tinh khác (Sơn Tây, Xuân Mai) sẽ hình thành chuỗi đô thị tuyến tính theo đường 21 có tính chất văn hóa (Sơn Tây), giáo dục và đào tạo (Hòa Lạc, Xuân Mai). Đô thị Hòa Lạc kết nối với đô thị Xuân Mai và khu vực để hình thành định hướng phát triển TP phía Tây Thủ đô có tính chất khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và dịch vụ.

Trao đổi với báo chí về kế hoạch và nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, khi các TP thuộc Thủ đô được hình thành sẽ là những cực tăng trưởng mới của TP, không chỉ giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô mà còn là động lực vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, thậm chí cả vùng trũng ở xung quanh lên.

Cần bước đi thích hợp và đột phá

Định hướng phát triển mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây của Hà Nội được nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mô hình này cũng được TP định hình rõ trong nghiên cứu Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang thực hiện. Song theo các chuyên gia, để hình thành được phải có cách làm đột phá với các giải pháp cụ thể về phạm vi, quy mô áp dụng, mô hình tổ chức không gian, bộ máy quản lý, lộ trình phát triển, gắn với các điều chỉnh về thể chế pháp luật quản lý phát triển của từng giai đoạn.

Từ kinh nghiệm thí điểm thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh hơn một năm qua, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội cần có mô hình chính quyền thích hợp, đủ năng lực quản lý.

Các khu vực TP hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng. Do đó, phải nâng tầm vai trò để các TP này không chỉ của Thủ đô, mà còn là đầu mối liên kết với các vùng. Ngoài ra, thu nhập, chất lượng sống của người dân phải được nâng cao, như các tiêu chí về đô thị thông minh, thân thiện với người dân; cần có chính sách để thu hút DN đầu tư vào các TP mới.

Mới đây nhất (ngày 7/2/2023), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, về công tác quy hoạch đã nêu, TP nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) và mô hình đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài.

Từ những định hướng của Bộ Chính tri, Chính phủ, mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây dần được định hình là bước đi đúng đắn, phù hợp trong xây dựng phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn tới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình này cần phải chọn bước đi thích hợp cũng như có những đột phá mới thì mới có thể thành công.

 

"Vấn đề quan trọng nhất để mô hình "TP trong Thủ đô" thành công là phải xây dựng cho được chính quyền đô thị đích thực, có cơ chế vận hành, hành lang pháp lý phù hợp để từ đó thực sự tạo ra được sự phát triển mới.

Người điều hành TP đó cần được trao quyền tự chủ tương xứng với vị thế và đóng góp của đô thị đó trong địa phương và cả nước. Hiện Hà Nội đang đề xuất hai vị trí là phía Bắc và phía Tây.

Cá nhân tôi cho rằng nên làm trước TP phía Tây vì ở đây đã có nhiều điều kiện để phát triển. Đây là khu vực có thể phát triển với tốc độ nhanh, đồng thời có nền văn hóa xứ Đoài gốc, có lịch sử văn hóa riêng. Bản thân Sơn Tây đã là một đô thị song là khu vực lịch sử, nên kết hợp đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai thành một cấu trúc TP mới sẽ rất rõ nét." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Ngô Trung Hải

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần