Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ vọng về tập đoàn kinh tế tư nhân (KTTN) là động lực mang lại một diện mạo mới cho nền kinh tế là hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng.

Sáng 30/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc tọa đàm đối thoại chính sách với một số tập đoàn KTTN với chủ đề “Chính phủ và các tập đoàn KTTN cùng đồng hành phát triển kinh tế”.
Đóng vai trò trụ cột
Trước đây, Chính phủ thường gặp các DN Nhà nước (DNNN) nhưng năm nay quyết định gặp gỡ, đối thoại với khối DN tư nhân. Theo Thủ tướng, DN tư nhân đã chiếm tới 96,7%, DN khối đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 2,6%, còn lại là DNNN. Nhiều DN tư nhân rất thành công. Tuy nhiên, trong 496.000 DN đang hoạt động, DN tư nhân chiếm phần lớn thì DN vừa, DN lớn chỉ chiếm chưa tới 10.000, còn lại đều là DN nhỏ, siêu nhỏ. Thủ tướng cho rằng, vai trò người dẫn dắt, đóng góp cho nền kinh tế rất quan trọng. DN tư nhân chiếm tỷ lệ tài sản không cao, nhưng góp tới 43% GDP.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với đại biểu dự buổi tọa đàm. Ảnh: Chinhphu.vn

"Nút thắt ở đây là gì? Nhà nước phải làm gì để KTTN phát triển tốt và Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay và bản thân DN phải làm gì?”- Thủ tướng nêu vấn đề.
Những tập đoàn tham dự tọa đàm lần này đều là những đơn vị bước đầu thành công, góp phần vào phát triển đất nước như Hoàng Anh Gia Lai, BRG,  Geleximco, TH, Công ty CP Hàng không VietJet… Thủ tướng nói, muốn đích thân nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển của DN. “Từ tiếng nói này, chúng tôi sẽ hình thành chính sách, định hướng để tiếp tục tạo ra khung pháp lý, môi trường kinh doanh để DN tư nhân phát triển đúng hướng; ngày càng nhiều tập đoàn lớn mạnh cùng khối DN nhỏ và vừa" - Thủ tướng mong mỏi.
Cùng phải thay đổi
Ông Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2017, nền kinh tế có những khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm để đạt mục tiêu tăng trưởng và chặng đường phát triển tới đây của đất nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, cả nước có 93.967 DN đăng ký thành lập mới và 21.100 DN hoạt động trở lại. Số DN tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng là 49.345 DN, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Những khó khăn chủ yếu do nhu cầu của thị trường thấp, tài chính khó khăn, khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước không cao. “Trong nền kinh tế hội nhập như hiện nay, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự thay đổi, ít nhất là để có thể tồn tại”- PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, Việt Nam thiếu những DN đầu đàn, những trụ cột, để các DN nhỏ liên kết vào, tạo thành một thế lực.
Trong khi đó, những lợi thế về chính sách, tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn... của nhiều tập đoàn có thể thấy rất rõ, thì sức lan tỏa, khả năng dẫn dắt các DN khác  lại rất mờ nhạt. “Vấn đề ở đây là DN lớn chưa có động lực để giữ vai trò trụ cột, dẫn dắt các DN nhỏ. Và theo nhiều góc độ nhìn nhận, họ vẫn tận dụng được nhiều khe hở chính sách, cơ hội mang tính đầu cơ quá cao mà chưa lựa chọn những đầu tư dài hơi và bền vững” - ông Thiên thẳng thắn chỉ ra.
 Dây chuyền sản xuất motor điện loại nhỏ tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam. Ảnh: Danh Lam 
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, ngoài việc Nhà nước nghiên cứu một thể chế để các tập đoàn lớn của khu vực KTTN phát triển thì bức tranh DN tư nhân, kỳ vọng tập đoàn KTTN với vai trò là động lực nền kinh tế sẽ hoàn thiện hơn nếu có những DN tư nhân thực sự lớn trong lĩnh vực có công nghiệp, chế tạo, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, chứ không phải chỉ là chân rết, “ăn theo” các DN FDI nhờ khai thác tài nguyên hay gia công tại các công đoạn có tỷ lệ giá trị gia tăng thấp.
Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung, ngoài nỗ lực từ bản thân những DN đã có tiềm lực này, phía cơ quan quản lý cần có những thay đổi tích cực, ưu đãi cho các lĩnh vực sản xuất như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ… Tuy nhiên, đây phải là những thuận lợi từ việc điều chỉnh chính sách chung, đảm bảo công bằng với tất cả DN. Đồng thời, tăng cường khả năng cho khu vực KTTN được tiếp cận các nguồn lực đa dạng hơn, bình đẳng hơn.
Muốn làm được điều đó, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, đảm bảo cho KTTN được tiếp cận đất đai và các nguồn tài nguyên một các bình đẳng.
Tại Diễn đàn KTTN lần thứ 2 -  năm 2017 tổ chức ngày 31/7, Thủ tướng đề nghị nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới. Từ đó, tập trung sản xuất, hoạt động trong các lĩnh vực mà thế giới có nhu cầu lớn và thường xuyên như nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, du lịch… thay vì tình trạng phổ biến hiện nay là chỉ chú trọng phục vụ các DN lớn khác của Việt Nam dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp…
Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho DN, có các chính sách để thu hút đầu tư tư nhân, đảm bảo nguyên tắc thị trường trong hoạt động của KTTN, tạo điều kiện để các DN tư nhân tham gia thị trường một cách có hiệu quả.
Việt Nam thiếu những DN đầu đàn, những trụ cột, để các DN nhỏ liên kết vào, tạo thành một thế lực. Ở Việt Nam, kể cả DN lớn có tạo thêm được một vài DN thì cũng chỉ thuộc phạm vi  DN, tập đoàn ấy. Như vậy, cả về trụ cột lẫn năng lực liên kết, các DN Việt đều thiếu.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên
Bên cạnh việc thúc đẩy chợ truyền thống, mở rộng các thị trường xuất khẩu, cần có chính sách khuyến khích các DN phát triển hệ thống bán lẻ lớn, nhất là xu hướng bán lẻ trực tuyến. Việc hình thành các tập đoàn lớn... nhằm kết nối các DN nhỏ và các hình thức kinh tế chia sẻ dựa trên công nghệ sáng tạo là cần thiết.
Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello
Đinh Tuấn Minh