Tạo đất “sạch” thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cản trở lớn nhất khiến cho các DN e ngại khi đầu tư vào nông nghiệp chính là vấn đề đất đai khi mà việc tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn, quỹ đất sản xuất, nhất là đất “sạch” ít.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, suốt thời gian qua, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 1% trên tổng số DN cả nước, đặc biệt trên 90% số đó là DN nhỏ và siêu nhỏ. Lý giải về sự “èo uột” này, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho rằng, có nhiều nguyên nhân  khiến cho DN ngại đầu tư vào nông nghiệp như rủi ro lớn từ thiên tai, dịch bệnh, lợi nhuận thấp… Tuy nhiên, cản trở lớn nhất chính là  vấn đề đất đai. Hiện nay, có nhiều DN quan tâm, muốn vào đầu tư vào nông nghiệp nhưng không có đất khi đất nông nghiệp đã được giao hết cho người dân.
Công nghệ cao là lĩnh vực ưu tiên thu hút DN đầu tư. Trong ảnh: Trồng lan công nghệ cao tại Đan Phượng.
Trồng lan công nghệ cao tại Đan Phượng
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết thêm, đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu là DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ, song mấy năm gần đây cũng có những DN lớn đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi. Ông Tuấn cũng nhìn nhận, đất đai thực sự là vướng mắc nổi cộm khiến các DN ít mặn mà với việc đầu tư vào nông nghiệp. 

Hiện nay cả nước có 60,7 triệu người sống ở nông thôn thì có xấp xỉ 60 triệu người làm nông nghiệp. Bình quân đất canh tác nông nghiệp là 4.280m2/hộ, chia theo đầu người chỉ là 1.150m2/người. Sự manh mún, nhỏ lẻ đó khiến tích tụ đất để DN đầu tư là vô cùng khó khăn, khó có thể tích tụ được hàng trăm hecta đất “sạch”, trong khi các DN lại mong muốn có tới hàng ngàn hecta đất để đầu tư phát triển sản xuất.

Về hướng tháo gỡ, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trước mắt phải dành một quy mô đất “sạch” cho DN đầu tư trong lĩnh vực chế biến, ưu tiên công nghệ cao theo hướng thúc đẩy liên kết giữa nông dân với DN và người dân góp đất cùng DN. 

Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển hình thức các cánh đồng mẫu lớn tuy nhiên còn phải điều chỉnh nhiều yếu tố để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa DN và người dân. “Đầu tư vào nông nghiệp cũng phải lựa chọn, trước hết là ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chia sẻ.

Hiện nay Bộ NN&PTNT đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề đất đai theo hướng trình Chính phủ, đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo hướng khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm thu hút hơn nữa đầu tư của DN, đồng thời phục vụ tốt hơn quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Liên quan tới vấn đề thu hút đầu tư tư nhân, phát triển DN, hiện nay Nghị định 210/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về Chính sách thu hút tư nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn được thực hiện. Hiện đã có nhiều DN lớn quan tâm đầu tư vào nông nghiệp tại các địa phương. 

Bộ NN&PTNT đang tích cực hợp tác với các Tập đoàn kinh tế đa quốc gia (Cargill Inc., Cisco Vietnam, DuPont Vietnam, METRO Cash & Carry Vietnam, Nestlé, PepsiCo Vietnam, Monsanto Vietnam, Syngenta Asia Pacific, Unilever Vietnam, Yara International…) triển khai các mô hình đối tác công tư từ sản xuất đến tiêu thụ đối với rau, hoa quả, cà phê, chè, thuỷ sản và nhóm hàng hoá khác. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng Nghị định về thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương phát triển đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Bộ NN&PTNT đang tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, Bộ đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn Nghị định liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, các mẫu hợp đồng, mẫu đề xuất dự án. 

Bộ cũng đã xây dựng danh mục các dự án tiềm năng đầu tư theo hình thức này và đang tổ chức thẩm định một số dự án tiên phong trong đầu tư hạ tầng thủy lợi, cấp nước sạch. Với những giải pháp này, hy vọng trong thời gian tới, lĩnh vực nông nghiệp sẽ “hấp dẫn” hơn đối với các DN và nhà đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần