Luân chuyển, tăng cường cán bộ về xã, thị trấn dần trở thành việc làm thường xuyên, góp phần củng cố, tạo dựng niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Hiệu quả công tác điều chuyển cán bộ
Xuất phát điểm là cán bộ Phòng Kinh tế, bà Hoàng Thị Hà được điều động sang làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân, sau đó luân chuyển qua làm Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ, trước khi được bổ nhiệm là Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kỳ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vừa qua, bà Hoàng Thị Hà tiếp tục được luân chuyển trở lại phòng Kinh tế huyện, giữ chức vụ Trưởng phòng.
Là cán bộ kinh qua nhiều vị trí công tác trước đó, bà Hoàng Thị Hà đã phát huy kinh nghiệm, đoàn kết cùng tập thể xã Hồng Kỳ đẩy mạnh các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị tại cơ sở. Đặc biệt, bà Hà còn góp phần quan trọng đưa Đảng bộ xã Hồng Kỳ nhiều năm “Hoàn thành nhiệm vụ” lên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Từng là Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND, rồi đảm đương vị trí Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Xuân Tân được xem là cán bộ có năng lực, trình độ. Mới đây, ông Tân được Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn điều động về làm Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang.
Với kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, dù mới nhận công tác trong thời gian ngắn, ông Tân đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của Hà Nội và các phòng, ban của huyện Sóc Sơn xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp xã Xuân Giang giai đoạn 2022 - 2025. Đặc biệt, xã đã nghiên cứu, phát triển được 2 sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2022.
Bà Hoàng Thị Hà và ông Nguyễn Xuân Tân là hai trong số 21 cán bộ đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn điều động, luân chuyển kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây được coi là thành công lớn, thể hiện sự quyết tâm và coi trọng công tác điều động, luân chuyển cán bộ của Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn.
Vẫn còn tâm tư, nguyện vọng
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn, công tác điều động, luân chuyển cán bộ thời gian qua dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số cán bộ được điều chuyển còn thiếu kinh nghiệm trong công tác, nhất là về xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, cá biệt có trường hợp cán bộ ngại đi cơ sở.
Tại một số địa phương, vẫn còn hiện tượng cán bộ được điều chuyển đến công tác chưa nhận được sự ủng hộ của cơ sở, thậm chí là bị gây khó khăn, khiến cán bộ mới nhận nhiệm vụ không phát huy được năng lực, sở trường. Việc thực hiện luân chuyển cán bộ mới chú trọng luân chuyển cán bộ từ huyện về các xã, thị trấn, mà chưa quan tâm đúng mức đến luân chuyển cán bộ từ xã, thị trấn lên huyện.
Bản thân cán bộ thuộc diện điều chuyển cũng còn nhiều tâm tư, nguyện vọng. Bí thư Đảng ủy xã Kim Lũ Đoàn Hiệp (trước đây giữ chức Chánh Văn phòng Huyện ủy Sóc Sơn) cho biết, thời gian đầu mới về cơ sở, bản thân cũng gặp nhiều bỡ ngỡ, nhất là trong giải quyết các sự vụ liên quan đến công tác Đảng và quản lý Nhà nước.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Tiên Dược Đỗ Mạnh Hùng (từng giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã Minh Phú) cũng thẳng thắn chia sẻ, trong thực tế giải quyết các vấn đề tại địa phương, không tránh khỏi va chạm với các nhóm lợi ích. Điều này đặt ra nhiệm vụ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tại cơ sở…
Thực tế cho thấy, hiện nay, một số văn bản quy định của T.Ư về quản lý công chức, viên chức còn chưa đồng bộ. Từ đó dẫn đến công tác luân chuyển, điều động cán bộ, nhất là từ xã lên huyện gặp những khó khăn nhất định.
Bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ
Đối với công tác điều động, luân chuyển cán bộ, Huyện ủy Sóc Sơn đặc biệt quan tâm đến chế độ, chính sách. Theo đó, ngoài phụ cấp được hưởng khi luân chuyển từ huyện về công tác tại các xã, thị trấn, cán bộ thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn.
Đặc biệt, các cán bộ đã đi luân chuyển được Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn ghi nhận, bố trí vào các vị trí công tác mới. Đơn cử như bà Nguyễn Thị Thu Thủy - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phù Linh được điều động về công tác tại Đảng ủy Khối Doanh nghiệp huyện, giữ cương vị Bí thư; hay ông Nguyễn Văn Thu - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng, hiện đang giữ chức Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn…
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho biết, quan điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn trong công tác điều động, luân chuyển là phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng. Bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ toàn huyện, trong đó chú trọng tăng cường cán bộ cho những địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp; khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín.
“Việc điều động, luân chuyển cán bộ thời gian qua được Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định pháp luật của T.Ư và Hà Nội. Huyện cũng cố gắng để tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường, hiệu quả công tác” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà nhấn mạnh.
Đại diện Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công tác luân chuyển, điều động cán bộ về các xã, thị trấn; coi đây là việc làm thường xuyên, là một trong những tiêu chí để bố trí, sử dụng cán bộ. Chú trọng luân chuyển, điều động cán bộ trẻ, trong quy hoạch để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện.
Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn cũng sẽ tập trung đưa cán bộ đến những địa bàn khó khăn để thử thách, rèn luyện, tạo điều kiện để cán bộ phát huy được năng lực, bản lĩnh của cá nhân. Đây cũng là cơ sở để Huyện ủy đánh giá cán bộ một cách thực chất, chính xác; là căn cứ quan trọng cho việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ sau luân chuyển.
Giai đoạn 2017 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã điều động, luân chuyển 12 cán bộ. Đặc biệt, tháng 7/2017, lần đầu tiên Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn tiến hành điều chuyển cán bộ từ huyện về giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.