Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ hơn về người ứng cử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/4, tại cuộc tập huấn báo chí tuyên truyền về bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021

Ngày 20/4, tại cuộc tập huấn báo chí tuyên truyền về bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, sau hội nghị Hiệp thương lần 3, những người đủ tiêu chuẩn đã được đưa vào danh sách để chuyển qua Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp đưa vào danh sách chính thức.

Sau đó, mọi ứng cử viên đều bình đẳng như nhau trong việc thể hiện chương trình hành động của mình và thực hiện vận động bầu cử theo luật.
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại buổi tập huấn.  	Ảnh: Mai Anh
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: Mai Anh
Về việc có được vận động bầu cử qua mạng xã hội không, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết: Hiện nay, Luật quy định không cấm những người ứng cử vào ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp sử dụng mạng xã hội làm kênh vận động bầu cử. Nhưng từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, kênh này không có tác dụng nhiều. Vì chưa chắc những người ủng hộ trên mạng lại là những người cầm lá phiếu đi bầu cử, vì là bầu cử theo khu vực cư trú. “Theo chúng tôi thì những người ứng cử nên tận dụng gặp gỡ cử tri tại các hội nghị tiếp xúc cử tri và thứ hai là thông qua các kênh thông tin báo chí tuyên truyền về bầu cử theo đúng luật. Đó là cách đến gần nhất với cử tri” - ông Pha chia sẻ.

Khi hướng dẫn một số nội dung về công tác tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND thực hiện việc vận động bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND cấp tỉnh. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị (các cơ quan Nhà nước, DN, đơn vị quân sự, công an…) và cử tri ở địa phương. Trường hợp đặc biệt, do điều kiện khách quan mà Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh không thể trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử nào thì phải có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp quận, huyện chủ trì. Tuy nhiên, vẫn phải cử cán bộ tham dự hội nghị tiếp xúc nhằm chủ động nắm tình hình và bảo đảm cho hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử được thực hiện an toàn, đúng luật.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐB HĐND cấp mình. Đặc biệt, phải thông báo kịp thời bằng văn bản ít nhất trước 7 ngày cho những người ứng cử về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để người ứng cử chủ động sắp xếp thời gian, liên hệ với địa phương đến dự.

Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng lưu ý, trong trường hợp người ứng cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND cấp tỉnh có nhu cầu nghe UBND cấp quận, huyện thuộc đơn vị bầu cử của mình giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, TP thì cần tổ chức để UBND các đơn vị bầu cử này báo cáo cho người ứng cử nghe. Tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử để cử tri nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc có điều kiện hiểu rõ hơn về người ứng cử. Để giữ công bằng giữa ứng cử viên được giới thiệu và người tự ứng trong việc tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, MTTQ Việt Nam các cấp cũng sẽ tăng cường việc giám sát, kiểm tra.

Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn cho biết: Sau hiệp thương lần ba, MTTQ các cấp đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, những việc liên quan đến tuyên truyền, vận động bầu cử đối với ứng cử viên, bảo đảm quyền công dân với những người đang thi hành án tạm giam, tạm giữ. Đặc biệt, luôn lưu tâm giám sát việc thực hiện những điểm mới của Luật Bầu cử lần này, phát hiện cơ sở có khó khăn, vướng mắc để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ. Đồng thời, chủ động trong chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn và sẵn sàng trả lời điện thoại 24/24 giờ để hỗ trợ, giải quyết mọi vướng mắc, nâng cao hiệu quả giám sát và hậu giám sát các hoạt động liên quan đến công tác bầu cử.