Từ thực tiễn cho thấy, nhiều kết quả tích cực đạt được là tiền đề quan trọng để TP phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Kết quả của những nỗ lực và quyết tâm cao
Khi góp ý về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, nhiều chuyên gia nhận định, từ kết quả đã có, cần định vị cụ thể Hà Nội trong "Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ", "Vùng Thủ đô". Xác định rõ trụ cột và mũi nhọn phát triển, nên phát triển thành 3 trung tâm, đó là trung tâm chính trị và hội nhập quốc tế; trung tâm văn hóa và trung tâm khoa học và công nghệ.
Trong dự thảo báo cáo tổng kết của Thành ủy cũng khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết với những nỗ lực và quyết tâm cao, Hà Nội đã đạt được các kết quả nổi bật. Trong đó, kinh tế Hà Nội duy trì tăng trưởng khá; giai đoạn 2011 - 2020 tăng 6,83%/năm, bằng 1,15 lần cả nước. Thu ngân sách liên tục tăng và vượt dự toán; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị được chú trọng, tạo chuyển biến tích cực. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt nhiều kết quả quan trọng. An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 4,5% năm 2010 xuống còn 0,21% năm 2021. Công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị được quan tâm, tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên.
Những hạn chế, yếu kém cũng được nhận diện rõ như tiềm năng, lợi thế của Thủ đô cũng như mọi nguồn lực huy động cho phát triển chưa được sử dụng hiệu quả để tạo ra đột phá lớn. Một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành, nhất là mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực phát triển vùng và cả nước. Đồng thời, năng lực cạnh tranh, vị thế của Hà Nội trong khu vực và thế giới còn khiêm tốn.
Nhiều mục tiêu có tính dài hạn
Việc hoàn thiện Luật Thủ đô và các thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù, vượt trội, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt và tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội để tạo động lực, nguồn lực phát triển. Về mục tiêu, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố "Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP trung bình giai đoạn 2026 - 2030 tăng từ 8 đến 8,5%; GRDP/người đạt từ 12.000 đến 13.000 USD.
Ðến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế; GRDP/người đạt hơn 36.000 USD.
Ðể thực hiện mục tiêu trên, TP sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Ðồng thời, nghiên cứu tăng diện tích phát triển đô thị lên 40%; xây dựng mô hình thành phố (đô thị loại II) thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Ðông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh) và phía Tây Hà Nội (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng thành phố thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài trở thành trung tâm hội nhập quốc tế của cả nước, khu vực và thế giới; phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2026.
Cùng với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020, nghiên cứu, đề xuất Báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2045, TP Hà Nội cũng đang tiến hành các bước để tổng kết thi hành Luật Thủ đô và báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tăng cường phân cấp, ủy quyền tạo sự chủ động cho Hà Nội.
Đồng thời, triển khai lập Quy hoạch TP, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây đều là những nội dung lớn, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của TP trong giai đoạn này mà tạo ra tầm nhìn, động lực cho cả giai đoạn xa hơn. Đây cũng là những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển như Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP đã xác định.
Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vai trò của Thủ đô được xác định là nơi hội tụ các nguồn lực, là động lực dẫn dắt, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng và cả nước được xác định. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức quản trị, vận hành thành phố thông minh, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.