Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo đột phá để phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2017 – “Năm kỷ cương hành chính”, đại diện các quận, huyện, sở, ngành của TP Hà Nội đều khẳng định quyết tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao các nhiệm vụ được giao.

Trong đó, trọng tâm là việc đề ra và thực hiện tốt các giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh: Tăng cường kỷ cương hành chính
Năm 2017 được TP Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính” và cũng là năm kỷ niệm 20 năm ngày thành lập quận Cầu Giấy (1/9/1997 - 1/9/2017). Do đó, trong năm 2017, quận Cầu Giấy sẽ triển khai các giải pháp tích cực, đồng bộ, phát huy trí tuệ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn. Trong đó, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính”. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, đề án của quận về phát triển kinh tế, xã hội, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ngoài việc tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trong năm 2017, quận Cầu Giấy sẽ xác định tập trung xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, trọng tâm là GPMB, đáp ứng nhu cầu phát triển của quận; Tập trung CCHC, trọng tâm là tăng cường kỷ cương hành chính, nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng... là những khâu đột phá ưu tiên thực hiện để tạo ra những kết quả thiết thực chào mừng ngày kỷ niệm 20 năm thành lập quận.

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong: Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp
Năm 2017, quận Hai Bà Trưng đề ra 2 nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm cần tập trung thực hiện. Một là, đồng bộ hạ tầng gắn với văn minh đô thị, để xây dựng quận phát triển bền vững. Hai là, đẩy mạnh CCHC mà đặc biệt là xây dựng chính quyền phục vụ và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn với thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ. Trong đó, để thực hiện được đồng bộ hạ tầng thì chúng tôi xác định công tác GPMB sẽ rất lớn, do trên địa bàn đang có nhiều dự án quan trọng. Ngoài ra, quận cũng rất coi trọng phát triển kinh tế, khuyến khích DN khởi nghiệp, tạo điều kiện cho DN phát triển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Làm được điều này mới đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến: Xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn
 
Năm 2017, huyện Ba Vì kỳ vọng và quyết tâm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại và du lịch. Huyện phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 12%. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, huyện sẽ kêu gọi thu hút nhiều DN đầu tư vào địa phương, tạo môi trường ổn định về an ninh trật tự, môi trường đầu tư, thúc đẩy Ba Vì phát triển nhanh, mạnh, vững chắc trong thời gian tới. Ngoài cơ chế chung của Nhà nước cũng như TP, huyện Ba Vì sẽ xây dựng cơ chế riêng, tạo thuận lợi nhất cho DN đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn, nhất là trong thu hồi đất và GPMB. Huyện quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp để có quỹ đất sạch cho DN đầu tư vào du lịch, thương mại cũng như chế biến nông sản.
Riêng đối với lĩnh vực dịch vụ - du lịch, huyện sẽ đẩy mạnh các dịch vụ thương mại, GTVT, điện, quỹ tín dụng Nhân dân đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước đảm bảo văn minh thương mại và vệ sinh ATTP. Đặc biệt, để thu hút khách du lịch, từ nay đến năm 2020, huyện sẽ phối hợp cùng Sở Du lịch thực hiện Đề án du lịch cộng đồng tại 3 xã Vân Hòa, Ba Vì, Ba Trại. Cùng với đó, phát triển nhanh cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật như hệ thống giao thông, thông tin liên lạc (hệ thống wifi, 3G, 4G), xây dựng nhà máy nước sạch… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Trước mắt tập trung nâng cấp cải tạo 5 tuyến đường nhằm hoàn thiện hạ tầng cơ sở khu du lịch Suối Hai - Ba Vì.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng: Kiên quyết xử lý vi phạm hành chính
Phát huy những thành tích đạt được của năm 2016, năm nay, Hà Đông tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch của TP về thực hiện Năm kỷ cương hành chính, tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý đất đai nhằm làm chuyển biến tích cực bộ mặt đô thị. 2017 là năm đầu thực hiện năm kinh tế tài chính 2017 – 2020, Hà Đông rất kỳ vọng vào sự đổi mới về quản lý trật tự đô thị, VSMT, tinh giản biên chế trên địa bàn. Đầu năm, Hà Đông đã tích cực triển khai và đi đầu TP đạt được một số kết quả trong công tác đó. Cụ thể, sáp nhập 4 đơn vị hành chính sự nghiệp thành 1 đơn vị; sáp nhập 3 ban quản lý dự án vào 1 đơn vị; giải thể 1 đơn vị giải quyết việc làm để giảm bớt đầu mối.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy: Phát triển làng nghề bền vững
 
Năm 2017, huyện Thường Tín tiếp tục thực hiện Chương trình 02 CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” là chương trình trọng tâm, xuyên suốt, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Mong muốn của địa phương là tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của TP từ đó tạo động lực phát huy hơn nữa, sớm hoàn thành nhiệm vụ phát triển nông thôn mới. Song song đó, Thường Tín được xem là đất trăm nghề, nơi đây có nhiều làng nghề có giá trị truyền thống như Thêu tay Quất Động, Sơn mài Duyên Thái… Hiện nay, huyện Thường Tín rất mong muốn TP sớm có chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân nông thôn.

Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội Đào Thái Phúc: Hướng tới kho bạc “3 không”
 
Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại trong triển khai chương trình thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu với ngân hàng. Chúng tôi cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều khâu như triển khai chương trình đối chiếu mẫu chữ ký tại kho bạc 30 quận, huyện, thị xã; tiếp tục hoàn thiện vận hành trang thông tin điện tử... Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp giải quyết tốt công tác chỉ đạo, điều hành nghiệp vụ, không ngừng nâng cao, tạo sự hài lòng cho khách trong quá trình giao dịch tại kho bạc. Đến nay, đã có 80% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn không giao dịch bằng tiền mặt tại kho bạc đối với các chi tiêu công. Đa số các khoản chi được thanh toán chuyển khoản.
Đến năm 2020, Kho bạc Nhà nước Hà Nội phấn đấu thực hiện 3 mục tiêu: Không sử dụng chứng từ giấy; Không giao dịch tiền mặt; Không có khách hàng đến làm việc trực tiếp tại kho bạc.