70 năm giải phóng Thủ đô

Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tạo đột phá trong phát triển nhà ở

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xứng tầm với vị thế và vai trò của Thủ đô. Một trong những nội dung đáng chú ý là công tác phát triển nhà ở.

Công tác phát triển nhà ở được quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có tính kế thừa và sửa đổi Luật Thủ đô 2012 với những quy định đối với phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội (NƠXH) nói riêng trên địa bàn Thủ đô.

Trong đó, yêu cầu trách nhiệm của chủ đầu tư phải hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi đưa công trình nhà ở vào khai thác sử dụng là quy định mới nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ của việc xây dựng nhà ở với việc xây dựng, hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Qua đó bảo đảm tốt nhất nhu cầu sinh sống, làm việc của người dân (khoản 1 Điều 31).

Quy định này là cần thiết để hạn chế chủ đầu tư của những khu nhà ở thương mại chậm trễ trong việc phát triển đồng bộ hạ tầng khi đưa công trình nhà ở vào sử dụng.

Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mới về công tác phát triển nhà ở.
Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mới về công tác phát triển nhà ở.

Đáng chú ý, quy định việc phát triển NƠXH ở Thủ đô theo mô hình căn hộ chung cư và giao UBND TP Hà Nội quyết định quỹ đất xây dựng NƠXH tại điểm a khoản 2 Điều này là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 80 và khoản 1 Điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi theo dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và đặc biệt phát huy được hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất khi xây dựng, hạn chế được tiêu cực trong công tác xây dựng NƠXH.

Việc phát triển các khu NƠXH tập trung theo hướng hiện đại, thuận tiện ở ngoài đô thị trung tâm, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp với mục tiêu phát triển các tuyến đường sắt đô thị và khu vực TOD.

Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới khi phát triển đường sắt đô thị, khu vực TOD dọc các tuyến đường sắt cũng nhằm phát triển những khu vực sinh sống có chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện sống của người thu nhập thấp và những người thuộc đối tượng của chính sách NƠXH.

Đặc biệt, để bảo đảm chất lượng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của các khu NƠXH, điểm c khoản 2 Điều 31 quy định việc bố trí vốn ngân sách TP để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng NƠXH.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định “đối với các dự án đầu tư xây dựng NƠXH độc lập, UBND TP Hà Nội giao cơ quan, tổ chức thuộc TP thực hiện giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong phạm vi ranh giới của dự án”. Đây là những giải pháp có tính đột phá và đặc thù để Thủ đô Hà Nội có thể phát triển nhanh các khu NƠXH tập trung, đầy đủ điều kiện về hạ tầng.

Ngoài ra, điểm b khoản 2 Điều 31 cũng quy định cụ thể về công tác lập quy hoạch nhằm ngắn thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết so với thực hiện tuần tự theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị để có thể đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH.

Với những quy định nêu trên tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong công tác phát triển nhà ở nói chung và NƠXH nói riêng trên địa bàn Thủ đô. Từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021 – 2030 cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp theo Quyết định 338/2023/QĐ-TTg của Chính phủ.