70 năm giải phóng Thủ đô

Sửa đổi Luật Thủ đô:

Tạo hành lang pháp lý xây dựng hệ thống y tế Thủ đô hiện đại

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại…

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Ngày 11/5, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về nội dung: “Các quy định về phát triển y tế Thủ đô; cơ chế tài chính phục vụ phát triển khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình”.

Đề xuất xây dựng hệ thống y tế Thủ đô theo mô hình ba cấp

Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đề xuất xây dựng hệ thống y tế Thủ đô theo mô hình ba cấp trên địa bàn từng quận, huyện, theo quy mô dân số. Cụ thể: Hệ thống y tế dự phòng được đầu tư hiện đại nhằm đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao và các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng; Hệ thống y tế cơ sở được đầu tư để hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đủ năng lực bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khoẻ nhân dân từ sớm, ngay từ cơ sở.

Bên cạnh đó, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản được bố trí tối thiểu mỗi quận, huyện có một bệnh viện đa khoa đảm bảo người dân thuận tiện trong tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến thành phố. Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu của thành phố tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới đảm bảo người dân được điều trị những bệnh lý phức tạp ngay tại địa bàn. Đồng thời, thực hiện quản lý bệnh nhân, khám chữa bệnh từ xa, phối hợp lập kế hoạch cùng với các cơ sở y tế tuyến dưới chăm sóc sức khoẻ người dân.

Tổ chức hệ thống cấp cứu ngoại viện gồm: Bệnh viện 115, Trung tâm điều phối cấp cứu, Trung tâm đào tạo cấp cứu và mạng lưới cấp cứu. Trong đó mạng lưới cấp cứu ngoại viện bao gồm các trạm cấp cứu của 115 và các tổ cấp cứu ngoại viện của các bệnh viện đảm bảo cung cấp dịch vụ tới tất cả các quận huyện của thành phố.

Tổ chức Trung tâm chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm xét nghiệm, Trung tâm hồi sức cấp cứu vùng được đầu tư công nghệ hiện đại, có sự liên thông kết quả chẩn đoán, để đảm bảo tiết kiệm hiệu quả trong đầu tư nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân.

HĐND thành phố quy định mức giá thanh toán cấp cứu ngoại viện làm cơ sở thanh toán trong phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế và các đối tượng ngoài phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Hệ thống cấp cứu ngoại viện và các Trung tâm nêu trên kết nối với hệ thống bảo hiểm y tế để thực hiện việc thanh toán bảo hiểm theo quy định…

Tạo cơ sở pháp lý để phát triển hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại

Tại cuộc họp, TS Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết, so với dự thảo trước đây, các ý kiến đã bổ sung rất kỹ. TS Nguyễn Văn Cương mong muốn các ý kiến đề xuất có tính khả thi trong thực tiễn để đưa vào dự luật, tạo tiền đề, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại...

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa (Đại học Y Hà Nội), hiện đã có chương trình đào tạo bác sĩ gia đình với bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ cho các tỉnh trước đây. Hiện nay, có thể điều chỉnh chương trình đó cho phù hợp với nhu cầu sắp tới. Bên cạnh đó, y học gia đình là phát hiện sớm bệnh nên cần kết hợp y tế tư nhân đáp ứng nhu cầu của người dân bởi nếu bệnh nhẹ, người dân muốn thăm khám ở nơi gần nhất thì cần đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Xanh Pôn cho hay, Xanh Pôn là bệnh viện hạng 1 của Hà Nội được Sở Y tế phân công đầu ngành về 7 chuyên khoa. Bệnh viện đang xây dựng kế hoạch, mong muốn được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo nhân lực để trở thành bệnh viện đầu ngành tuyến cuối của Bộ Y tế.