Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần xây dựng lòng tin cho người làm kinh doanh, phát triển hệ thống hỗ trợ và cải thiện môi trường kinh doanh cũng như chú trọng hơn đến công tác hậu kiểm, đó là những đề xuất chung của nhiều chuyên gia cùng đại diện doanh nghiệp (DN) khi đưa ra những góp ý cho dự thảo Luật DN sửa đổi đang làm nóng dư luận…

Theo Kết quả nghiên cứu Chỉ số kinh doanh toàn cầu (GEM 2013) tại Việt Nam, hệ thống hỗ trợ kinh doanh và hậu kiểm kém đang là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ DN "biến mất" ở Việt Nam đạt mức cao. Theo nghiên cứu này, 1/4 hoạt động kinh doanh ở Việt Nam không mang lại bất kỳ khoản thu nhập nào cho những người tham gia vào kinh doanh trong vòng 3 tháng đầu tiên. Đáng chú ý, tỷ lệ DN ngừng hoạt động và giải thể ngày càng tăng: Tính đến hết quý I/2014, trong tổng số gần 800.000 DN đăng ký thành lập thì có tới gần 300.000 DN giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động.

7 bộ quản lý một sản phẩm

Chia sẻ câu chuyện từ chính hoạt động điều hành DN của mình, ông Mai Huy Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Việt cho biết: Sản phẩm Đức Việt là các loại xúc xích, thực tế đang phải chịu quản lý của 7 bộ chức năng khác nhau, từ Công Thương đến KH&CN, Bộ Y tế… và thậm chí cả Bộ Công an. Trong khi đó, theo ông Tân cho biết thì ở Mỹ, loại sản phẩm như thế chỉ phải chịu quản lý của duy nhất một cơ quan là Cục Quản lý thực phẩm. "Mới đây khi lực lượng công an vào kiểm tra, chúng tôi thậm chí còn bị phạt vì đựng thực phẩm trong thùng chứa không đúng màu" - ông Tân bức xúc nói.
Dây chuyền sản xuất xúc xích của Công ty CP Đức Việt.           Ảnh: Tuấn Anh
Dây chuyền sản xuất xúc xích của Công ty CP Đức Việt. Ảnh: Tuấn Anh
Vì vậy, ông Mai Huy Tân cũng như đại diện nhiều DN khác cho rằng, Luật DN sửa đổi lần này trước hết nên quan tâm đến việc có giúp cho nửa triệu DN đang hoạt động hiện nay được "dễ thở" hơn hay không.
Thực tế thời gian qua nảy sinh rất nhiều bất cập khiến tác động của Luật DN đối với hoạt động của DN chưa đạt được hiệu quả mong muốn. VCCI là cơ quan được trực tiếp tham gia soạn thảo Luật DN sửa đổi và cũng là nơi cuối cùng lấy ý kiến DN trước khi trình Quốc hội, nên chúng tôi sẽ cố gắng tập hợp ý kiến tham vấn của các bên một cách đầy đủ và khách quan, thậm chí quan tâm từ những góp ý nhỏ nhất nhưng chắc chắn sẽ có nhiều đóng góp để Luật DN sửa đổi tới đây tác động tích cực hơn đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI
Bởi thực tế, nhiều người nhận thấy có rất nhiều cơ hội kinh doanh đang đến, song lại không dám bắt tay vào làm chỉ vì sợ trái pháp luật, sợ nhiều quy định không cho phép DN hoạt động theo hình thức thế này, thế kia… "Thử hỏi đội ngũ doanh nhân ở nước ta, nhất là doanh nhân trẻ sẽ phát triển như thế nào cho lành mạnh nếu trong họ không còn nhiệt huyết, thiếu niềm tin ở môi trường kinh doanh?" - ông Tân đặt câu hỏi.

Giảm tối đa thủ tục

Đề cập đến thực trạng DN bị "hành" vì thủ tục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung đã có lần chia sẻ, chính ông thu gom các loại văn bản giấy tờ quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh và tổng cộng cân được… hơn 1kg. Về vấn đề này, tại Hội thảo "Dự báo tác động của Luật DN sửa đổi" do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29/7, Luật gia Vũ Xuân Tiền - Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách (Hội các nhà quản trị DN Việt Nam) cho rằng, Luật DN quy định các điều kiện đăng ký kinh doanh đi vào những "ngõ ngách" rất tinh vi, từ khai thuế GTGT đến các loại thuế khác. "Thậm chí, Luật quy định DN có thể tự nguyện đăng ký kinh doanh  nhưng Bộ Tài chính lại yêu cầu "muốn tự nguyện thì phải thỏa mãn những điều kiện sau đây…" (!) Thực tế, có tình trạng một điều nhỏ trong Luật được sửa thành quy định, sau đó một thời gian, quy định đó lại được sửa thành một điều luật. Cứ vòng quanh, chưa biết khi nào chấm dứt được vấn nạn "giấy phép con" chỉ để hành DN" - ông Tiền nhấn mạnh.

Góp ý về các ngành, nghề và điều kiện kinh doanh (ĐKKD), ông Tiền đề xuất, hiện, khoản 3, Điều 7 dự thảo Luật DN quy định: ĐKKD… được quy định tại Luật, Pháp lệnh và nghị định, nên sửa lại là "ĐKKD… được quy định tại Luật, Pháp lệnh do Quốc hội hoặc UBTV Quốc hội ban hành", với lý do: Các ĐKKD thường có thời gian ổn định khá dài, và quy định các ĐKKD thực chất là hạn chế quyền kinh doanh của công dân.

Không chỉ với hoạt động đăng ký kinh doanh, mà để nâng cao chất lượng công tác hậu kiểm cũng rất cần có quy định riêng về công tác này. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân gia nhập thị trường, cơ chế hậu kiểm được chủ trương thực hiện khi thành lập DN. Song quy định như Luật DN năm 2000 và năm 2005 như dự thảo Luật (sửa đổi) đã dẫn đến tình trạng "tiền buông, hậu cũng buông", tạo kẽ hở cho vi phạm pháp luật trong thành lập DN, ảnh hưởng đến những DN chân chính.

TS Lương Minh Huân - Viện Phát triển DN (VCCI) đề xuất: Luật DN sửa đổi tới đây cần hướng tới xây dựng được lòng tin cho người làm kinh doanh bằng cách đơn giản hóa một cách tối đa mọi thủ tục đăng ký kinh doanh, bên cạnh minh bạch hóa các chính sách, nhất là quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc cấm kinh doanh, tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế.