Quy định rõ hơn cơ chế, chính sách
Trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Dự Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự Luật.
Theo đó, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, điện ảnh vừa là ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa, do đó rất cần có các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế. Vì vậy, Dự Luật được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của Luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; sửa đổi, bổ sung, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; chỉnh lý quy định rõ hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Đối với vấn đề đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim, Dự Luật quy định Bộ VHTT&DL cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên toàn quốc; UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên địa bàn quản lý. Quá trình xin ý kiến cơ bản nhận được sự đồng thuận của các địa phương, các cơ quan, tổ chức và các cơ sở điện ảnh.
Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, Dự Luật bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật Đầu tư; quy định cụ thể tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim không vượt quá 51% vốn điều lệ để bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh…
Phát triển nguồn nhân lực điện ảnh còn mang tính bao cấp
Góp ý vào Dự Luật Điện ảnh, các đại biểu cho rằng, điện ảnh đã được nhiều nước trên thế giới coi là ngành công nghiệp văn hóa, đa dạng, phong phú và ngày càng thu hút nhiều nguồn lực. Vì vậy, Việt Nam cũng nên coi điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa. Để thực hiện được nhiệm vụ này, đại biểu cho rằng dự thảo Luật nên có chương riêng về hợp tác quốc tế nhằm tạo động lực chặt chẽ hơn cho công nghiệp điện ảnh của Việt Nam phát triển. Ngoài ra, trong dự án Luật nên có thêm quy định, các nhà sản xuất phim phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cho diễn viên đóng thế và nhân viên đoàn làm phim để đảm bảo an toàn cho họ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) nhận định, Dự Luật lần này đã tạo được môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Đại biểu cho rằng, để thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam, các chính sách về ưu đãi, thủ tục minh bạch, thuận lợi, nhanh chóng cũng là những yếu tố rất cần quan tâm để Việt Nam và điện ảnh Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế nhưng vẫn đảm bảo những vấn đề về an ninh, chính trị.
Cho rằng chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh và phát triển nguồn nhân lực điện ảnh còn mang tính bao cấp rất cao, chưa khuyến khích lao động sáng tạo, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn tỉnh Bến Tre) cho rằng, để khuyến khích ngành điện ảnh phát triển cần có sản phẩm cụ thể thì Nhà nước mới đầu tư ngân sách, chứ không đầu tư dàn trải. Chính sách không nên bao cấp quá nhiều mà nên hướng tới đảm bảo chất lượng sản phẩm điện ảnh “đầu ra”, chứ không nên khuyến khích sản phẩm “đầu vào”.
Về quy định chính sách của Nhà nước trong phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc sản xuất phim không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ chính trị mà còn phục vụ cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nói về truyền thống lịch sử cách mạng, các dân tộc thiểu số, trẻ em. Mặt khác, cũng cần có những bộ phim nói về các vị lãnh tụ, anh hùng dân tộc, doanh nhân… Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, đầu tư cho phát triển nghệ thuật đương đại, hỗ trợ tối đa cho phim về đề tài lịch sử, phim dành cho trẻ em.
Mở cửa đối với sản phẩm dịch vụ văn hóa, không thể dễ dãi
Trong phát biểu của mình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, Luật Điện ảnh của nước ta được ban hành từ năm 2006, trong khi đó, hiện nay công nghiệp điện ảnh thế giới và khu vực đã phát triển hết sức mạnh mẽ, thay thay đổi rất nhiều so với 15 năm trước.
Theo đại biểu, điện ảnh vừa là một ngành hoạt động văn hóa, vừa là ngành kinh tế sáng tạo, tạo ra sản phẩm kép về văn hóa tinh thần, hiện nay, điện ảnh sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, lưu hành và phố biến sản phẩm. Điện ảnh có thể tạo ra giá trị vật chất rất lớn và trở thành ngành kinh tế lớn của một quốc gia. Điện ảnh đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, nhu cầu giải trí của người dân, nhất là những người trẻ. Một số quốc gia còn tài trợ và hỗ trợ ngành điện ảnh của họ trong công cuộc xâm chiếm thị trường điện ảnh quốc tế. Có trường hợp còn được sử dụng vì mục đích chính trị và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Đại biểu cũng chỉ rõ, bên cạnh việc khẳng định những yếu tố tích cực, việc nhập khẩu văn hóa phẩm nói chung và điện ảnh nói riêng cũng có những mặt tiêu cực và tác hại trước mặt, lâu dài, nhu cầu đối của một bộ phận xã hội với sản phẩm văn hóa nước ngoài mạnh mẽ hơn đối với sản phẩm văn hóa trong nước. Các nhà sản xuất phim nước ngoài rất biết khai thác, khuyếch trương nhu cầu này để thu lợi trên đất nước ta, đẩy lùi nhu cầu văn hóa Việt Nam trên chính sân nhà của chúng ta.
Từ đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc mở cửa hàng hóa dịch vụ cần có lộ trình và cần có những điều khoản bảo lưu. Tuy nhiên lĩnh vực văn hóa đang thiếu biện pháp này. Do đó, đại biểu lưu ý việc mở cửa đối với sản phẩm dịch vụ văn hóa phải khác, không thể dễ dãi hơn so với mở cửa cho sản phẩm dịch vụ hàng hóa vật chất.
Liên quan đến phối hợp kiểm tra phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng cho rằng, để đảm bảo chặt chẽ, đại biểu đề nghị chỉnh lý khoản 5 Điều 21 theo hướng: Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra nội dung phim, việc phân loại hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cũng góp ý, việc quy định phân loại phim khi phổ biến phim trên mạng chưa đảm bảo sự bình đẳng, đồng thời đề nghị xem xét lại tính khả thi của việc phân loại phim theo độ tuổi trên truyền hình.