Điều này đặt ra yêu cầu phải siết chặt hơn nữa cái "bắt tay" giữa Hà Nội và các địa phương. Đó là nội dung được thảo luận tại hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc tổ chức ngày 18/11.
Chuyển biến nhưng ...
Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho gần 10 triệu dân, Hà Nội cần tiêu thụ mỗi ngày khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau quả các loại. Trong khi đó, sản xuất tại chỗ bình quân mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các tỉnh, TP khác. Phần lớn thực phẩm từ các tỉnh, thành đưa về được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết kiểm soát ATTP, từ năm 2013, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thiết lập các thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành. Đặc biệt, năm 2015, Bộ NN&PTNT còn quyết định thành lập Ban Điều phối chương trình chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội. Tất cả những hoạt động này giúp cho Hà Nội cùng các địa phương phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn sản phẩm rau, thịt đưa về Hà Nội chưa đảm bảo ATTP. Từ đầu năm đến nay, qua phân tích 437 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ các địa phương đưa về Hà Nội đã có 4,76% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng giới hạn cho phép, trong khi năm 2014 chỉ là 2,72%. Về thịt, có 16,83% mẫu bị phát hiện salmonella và 9,1% mẫu thịt lợn phát hiện dư lượng chất cấm salbutamol, tuy nhiên thấp hơn mức giới hạn quy định mẫu dương tính...
Theo ông Trần Mạnh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, việc dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng tối đa cho phép trong một số mẫu rau chứng tỏ tình trạng sử dụng thuốc BVTV vẫn chưa tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, chưa đảm bảo thời gian cách ly. Đặc biệt, dư lượng chất cấm trong các mẫu thịt lợn, thịt gà chứng tỏ người chăn nuôi vẫn lạm dụng chất tạo nạc và hóa chất kháng sinh kích thích tăng trưởng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP cho người tiêu dùng (NTD) Thủ đô.
Tại hội nghị, ông Phạm Thế Cường – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Sơn La cũng thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn sản phẩm rau mất ATTP của Sơn La đưa về tiêu thụ trong chuỗi siêu thị tại Hà Nội. Ngay khi Hà Nội thông tin việc phát hiện mẫu rau mất an toàn, lực lượng chức năng của Sơn La đã tiến hành truy xuất nguồn gốc. Ông Cường cho rằng, trong quản lý vẫn còn kẽ hở là khi thiếu rau, bà con có thu mua thêm rau từ bên ngoài theo kiểu “vơ bèo vạt tép”!
Cải tiến mối liên kết
Theo nhận định của các địa phương, hiện công tác phối hợp quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm đưa về Hà Nội tiêu thụ đang gặp không ít khó khăn. Đó là một số chỉ tiêu ATTP chưa có quy định về mức giới hạn trong sản phẩm nên rất khó xử lý. Hơn nữa, thời gian nhận kết quả phân tích chậm, dẫn tới bất cập trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống. Thêm vào đó, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa xây dựng được thương hiệu, thông tin nhận diện nên chưa tạo được lòng tin cho NTD. ATTP không phải là vấn đề mới, song cũng không hề cũ. Bằng chứng là những ngày qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ngay trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng rất căng thẳng trước những chất vấn của các đại biểu về vấn đề ATTP. Ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) dẫn chứng một câu chuyện rất thực tế: "Chúng ta kêu gọi người dân là NTD thông thái, song bản thân tôi ra chợ không biết mua sản phẩm an toàn ở đâu? Tuy nhiều điểm, nhiều chợ có bán thực phẩm an toàn nhưng NTD chưa tin đó là sản phẩm an toàn mà có sự trà trộn sản phẩm khác vào".
Các đại biểu nhất trí cho rằng, để giải quyết được vấn đề này, không còn cách nào khác là phải tạo sự tin tưởng của NTD bằng chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, công khai rộng rãi các cơ sở vi phạm ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân biết và răn đe đối với DN. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc bày tỏ, áp lực quản lý ATTP đối với Hà Nội là rất lớn vì hàng ngày, nguồn nông sản, thực phẩm đưa về tiêu thụ trên địa bàn TP không hề nhỏ. Do đó, việc siết chặt phối hợp với các tỉnh trong quản lý chất lượng nông sản là rất cần thiết. Theo ông Ngọc, cần cải tiến cơ chế phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh để việc quản lý ATTP đạt hiệu quả hơn. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm được sản xuất theo chuỗi khép kín, áp dụng quy trình VietGAP, có thương hiệu, gắn tem, logo, nhãn mác nhận diện sản phẩm…
Đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội thăm cơ sở sản xuất rau an toàn tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Thiện
|
Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Tuy nhiên, hiện nay còn có HTX thu mua sản phẩm không đảm bảo chất lượng ở bên ngoài, gây mất niềm tin cho NTD. Do đó, để quản lý tốt ATTP nông, lâm, thủy sản đòi hỏi vai trò kết nối của các tỉnh, TP càng trở nên quan trọng hơn. Trong đó, mỗi tỉnh, thành cần phải xây dựng các chỉ dẫn địa lý cụ thể từ nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội
Việc phối hợp với các tỉnh phía Bắc đã giúp cho Hà Nội quản lý tốt hơn ATTP, nhất là dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc phối hợp quản lý giữa ngành y tế và nông nghiệp về ATTP, các địa phương cần cung cấp đầy đủ hồ sơ nguồn gốc sản phẩm, phấn đấu 100% nhà hàng trên địa bàn TP có hợp đồng ký kết với nhà cung cấp thực phẩm. Bà Hoàng Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội (Sở Y tế)
|