Tạo sân chơi phát triển văn hóa đọc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 10 năm nay, định kỳ 2 năm một lần, cuộc tụ họp của hơn 100 nhà xuất bản (NXB), đơn vị phát hành trong nước và quốc tế lại diễn ra.

Chỉ trong 2 ngày cuối tuần (12 - 13/9), Hội chợ sách quốc tế Việt Nam 2015 đã thu hút hàng vạn độc giả.

Việc đông đảo người dân Hà Nội và  du khách trong nước đến tham quan, đọc, mua sách và tham gia các hoạt động tổ chức tại Hội chợ sách quốc tế trong những ngày qua là một hiện tượng đáng mừng trong xu thế văn hóa đọc dường như đang xuống mức thấp như hiện nay, nhất là đối với giới trẻ. Với sự tham gia nhiệt tình đó, các nhà tổ chức kỳ vọng, những hội sách như thế này sẽ tạo sân chơi cho văn hóa đọc phát triển. Các NXB, đơn vị phát hành cũng coi đây là cơ hội để quảng bá, tiếp cận với bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ...
Độc giả chọn mua sách tại Hội chợ sách quốc tế 2015. 	Ảnh: Phạm Hùng
Độc giả chọn mua sách tại Hội chợ sách quốc tế 2015. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, hội chợ đông không đồng nghĩa với việc người Việt đã dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết, theo thống kê thì hiện nay, mỗi năm mỗi người Việt Nam chưa đọc hết một đầu sách (0,8 cuốn). Nếu chiểu theo các cấp độ mà các chuyên gia nghiên cứu đã chia ra, thì “cái sự đọc” hôm nay của người Việt chỉ dừng lại ở cấp độ 1 - thấp nhất: Đọc lướt cho biết thông tin theo kiểu tiêu dùng chứ không đọc sâu để dò tìm lớp nghĩa ẩn chứa bên trong đáy chữ, hay còn gọi là “bóng chữ”, nhất là chữ văn chương trong các tác phẩm xuất sắc về ngôn từ.

Nhìn từ Hội chợ sách quốc tế 2015 diễn ra 5 ngày qua tại Hà Nội có thể nhận thấy được nghịch lý. Sách văn học, sách phê bình lý luận - những thể loại sách đòi hỏi sự nghiền ngẫm được “đổ đống” đồng hạng 5 - 10 ngàn đồng. Hoặc nhiều gian hàng giảm giátừ 30 - 70% nhưng vẫn không mấy người mua. Loại sách được coi là “đắt như tôm tươi” tại các gian hàng của Công ty Sách Thái Hà và Nhã Nam lại chính là sách tô màu dành cho người lớn (coloring book). Bởi đây là loại mới lan truyền vào Việt Nam từ đầu tháng 7/2015, được đón nhận nồng nhiệt vì… lạ. Nhiều cuốn tô màu đã trở thành “best seller” như: “Khu vườn bí mật”, “Khu rừng bị phù phép”…

Rõ ràng, thông qua các hội chợ sách, nhà quản lý đang cố gắng tạo sân chơi để “kích cầu” đọc. Bởi ở mỗi hội chợ sách không chỉ còn là trưng bày, bán sách mà còn có các hoạt động như giao lưu, giới thiệu sách; tọa đàm về văn hóa đọc, về kỹ năng, phương pháp đọc sách hiệu quả… Hàng loạt tác giả nổi tiếng trong nước và quốc tế cũng được mời đến ký tặng độc giả; đơn vị tổ chức cũng dành không gian café, vui chơi giải trí cho trẻ em… mong có nhiều người quan tâm đến sách hơn. Hội chợ sách còn là nơi các đơn vị xuất bản tìm kiếm cơ hội hợp tác trong và ngoài nước; thúc đẩy xuất bản cũng như nhu cầu đọc của công chúng. Như bà Hồng Vân - đại diện NXB Cengage Learning tại Hà Nội, tham vọng “trong tương lai có thể in ấn, xuất bản sách tại Việt Nam, chứ không chỉ vận chuyển về phát hành như hiện nay”.

Song dường như các hoạt động tích cực dành cho sách đó lâu nay mới đủ tạo bước đệm ban đầu để nhiều người thấy sự thay đổi lớn cho văn hóa đọc ở tương lai gần. Các hoạt động dành cho sách chỉ mang tính bề nổi và theo định kỳ “đến hẹn lại lên”, chưa phải là căn nguyên để khơi dậy tình yêu sách trong độc giả. Để hoàn thành sứ mệnh thúc đẩy văn hóa đọc, bên cạnh những hội sách, người ta đang chờ một đề án “dài hơi” đầu tư cho lĩnh vực xuất bản, phát hành và hệ thống thư viện công cộng tại Việt Nam.