Định hướng quy hoạch khu vực Long Biên - Gia Lâm

Tạo sức bật cho khu vực phía Đông Hà Nội

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Với nhiều công trình hạ tầng lớn đang được xây dựng, quỹ đất rộng, có vị trí chiến lược để phát triển kinh tế cùng với những định hướng mới của quy hoạch sẽ tạo sức bật cho khu vực phía Đông Hà Nội gồm Long Biên - Gia Lâm phát triển bứt phá thời gian tới.

Đô thị phát triển chưa theo định hướng quy hoạch

Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng, tại đồ án Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 (QHC2011), định hướng phát triển không gian khu vực Long Biên - Gia Lâm là khu vực đô thị cải tạo, nâng cấp và phát triển mới.

Tại đây hình thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao hỗ trợ công nghiệp vùng phía Đông - vùng Thủ đô Hà Nội, trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục cấp vùng phía Đông Bắc Hà Nội, trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng chất lượng cao, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy.

Nơi đây cũng hình thành các chức năng dịch vụ công cộng chất lượng cao như thương mại, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, giới thiệu và quảng cáo sản phẩm, các trung tâm đào tạo nghề, y tế chuyên sâu…

Tại các điểm nút giao thông quan trọng xây dựng phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm); xây dựng khu công nghiệp sạch, công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ; cải tạo nâng cấp xây dựng lại nhà ở hiện có, các làng xóm cũ đồng bộ hiện đại. Phát triển nhà ở trong các khu đô thị mới theo hướng đơn vị ở đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, chủ yếu xây dựng chung cư cao tầng hiện đại kết hợp phát triển hài hòa nhà ở thấp tầng (chiếm tỷ lệ thấp).

Phát triển mới các tổ hợp văn phòng, giao dịch cao tầng, hiện đại hoặc kết hợp xây dựng những trung tâm thương mại, dịch vụ quy mô lớn trên các trục đường vành đai, hướng tâm, đường chính đô thị.

Phát triển cụm trường đại học, dạy nghề, kỹ thuật và khoa học cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao và đạt tiêu chuẩn cho vùng. Cải tạo, xây dựng lại kết hợp phát triển các công trình văn hóa, sân bãi quảng trường để phục vụ đô thị và khu vực. Xây dựng Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng, Bảo tàng đường sắt (khu vực ga và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm). Phát triển cơ sở lưu trú, khách sạn theo hướng dịch vụ cao cấp…

Một góc quận Long Biên nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Một góc quận Long Biên nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên sau 12 năm triển khai QHC2011, qua rà soát cho thấy, tại khu vực Bắc sông Hồng xác định chỉ tiêu đất đô thị cao, diện tích đất phát triển đô thị lớn nhưng dân số lại phân bổ thấp, dẫn đến khai thác quỹ đất không hiệu quả.

Việc phân bổ dân số và tổ chức không gian dàn trải, không khai thác hiệu quả quỹ đất, chưa hình thành đô thị mật độ cao theo mô hình TOD tại các khu vực ga đường sắt đô thị.

Một số khu vực định hướng giao thông và sử dụng đất chưa phù hợp với thực tiễn, không khả thi. Bên cạnh đó, xuất hiện việc chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp để hình thành đô thị.

Trên thực tế, khu vực Long Biên - Gia Lâm đang có cơ hội thay đổi diện mạo nhờ vào những dự án hạ tầng giao thông huyết mạch đã và đang triển khai, nhất là hàng loạt cầu nối với đô thị trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thu hút đầu tư phát triển. Những đại đô thị được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về mật độ xây dựng, mật độ dân cư, cây xanh… thu hút một lượng lớn dân cư dịch chuyển từ khu vực trung tâm đến sinh sống.

Cơ hội để bứt tốc từ định hướng mới


Theo ông Nguyễn Đức Hùng, từ những bất cập của định hướng QHC2011 cùng với thực tiễn phát triển, trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 lần này sẽ có những định hướng mới cho khu vực Long Biên - Gia Lâm. Trong đó, nổi bật nhất là sẽ rà soát, phân bổ lại quy mô dân cư trên địa bàn theo hướng tăng dân số, phù hợp với định hướng phát triển khu vực Bắc sông Hồng thành quận hoặc TP trực thuộc TP.

Về không gian phát triển đô thị sẽ mở rộng khu vực phía Đông huyện Gia Lâm, khai thác hiệu quả quỹ đất, hình thành khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hình thành các chức năng dịch vụ công cộng chất lượng cao như thương mại, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, giới thiệu và quảng cáo sản phẩm, các trung tâm đào tạo nghề, y tế chuyên sâu...

Phát triển không gian công cộng, thương mại dịch vụ, tổ hợp văn phòng, giao dịch cao tầng, trên các trục đường vành đai, hướng tâm, đường chính đô thị. Phát triển cụm trường đại học, dạy nghề, kỹ thuật và khoa học cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao và đạt tiêu chuẩn cho vùng.

Khu vực này cũng được định hướng không gian đô thị theo hướng đô thị nén, cao tầng với bán kính khoảng 500 - 1.000m xung quanh khu vực ga đường sắt đô thị; phát triển gắn với các đô thị tỉnh, thành kề cận. Cửa ngõ logistics phía Đông kết nối hướng biển, hình thành thêm hệ thống cảng cạn ICD tại các ga chính đường sắt. Đồng thời, bổ sung nhiều không gian xanh và tiện ích đô thị, gắn kết chặt chẽ với không gian mở sông Hồng, sông Đuống. Tận dụng lợi thế của khu vực Học viện Nông nghiệp và chuỗi cung ứng nhà vườn Hưng Yên, đề xuất xây dựng Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong nông nghiệp tầm quốc gia và khu vực.

Theo các chuyên gia, lãnh đạo địa phương đánh giá, phía Đông Hà Nội nhờ khả năng kết nối mạnh mẽ với nội đô và các tỉnh, thành lân cận, các quận, huyện phía bờ Đông sông Hồng đang có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế mà các địa phương khác không có được. Đó chính là tính thuận tiện kết nối về giao thông hướng ra biển và đến sân bay.

 

 

Trong một thời kỳ mà kinh tế biển được đẩy mạnh phát triển, chúng ta không thể chạy vào núi để phát triển mà phải hướng về biển, hướng về phía Đông. Trong đó, phía Đông Hà Nội gồm Long Biên – Gia Lâm chính là cửa ngõ của Thủ đô, kết nối vô cùng thuận tiện với mạng lưới giao thông để phát triển kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh

 

Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho hay, Long Biên là quận duy nhất nằm ở Bắc Sông Hồng, có vị trí đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, đường sắt, sân bay Gia Lâm, hệ thống bến xe, ga xe lửa Gia Lâm, cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Chương Dương, Long Biên bắc qua Sông Hồng, cầu Đuống, Phù Đồng, Đông Trù bắc qua Sông Đuống. Đây là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để nối liền trục tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Với những định hướng quy hoạch mới cùng với hệ thống hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện, khu vực Long Biên - Gia Lâm có rất nhiều cơ hội để sớm bứt tốc trên hành trình trở thành trung tâm mới không chỉ của Hà Nội, vùng Thủ đô mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.