Tạo sức sống lâu bền cho ca trù Hà Nội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi ca trù được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực để hồi sinh cho loại hình nghệ thuật này. Sau hơn 11 năm được vinh danh, ca trù Hà Nội lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng.

Các ca nương nhí biểu diễn ca trù tại Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần thứ 2 năm 2019. Ảnh: Lại Tấn
Quảng bá di sản

Trong thời gian 4 năm kể từ 2018 đến nay, số lượng các câu lạc bộ (CLB), nhóm hát ca trù ở Hà Nội đều tăng. Năm 2017, Hà Nội có 14 CLB, nhóm hát ca trù nhưng đến năm 2019 đã tăng lên 16 đơn vị. Các CLB ca trù trên địa bàn TP đều đang duy trì hoạt động, thực hành di sản thường xuyên theo lịch cố định, tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy đàn hát ca trù, các làn điệu thể cách được thực hành với số lượng nhiều hơn và khó hơn.

Bên cạnh việc học nghề, ca nương, kép đàn ngày nay còn biết xây dựng chương trình và liên hệ, tổ chức, tạo ra không gian diễn xướng hát ca trù để trình diễn, phân tích, giới thiệu, quảng bá. Đơn cử như NSƯT Thúy Hòa - Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù Thái Hà đã chủ động tổ chức quảng bá ca trù tới các nước và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật. NSƯT Thúy Hòa còn tích cực trong việc phục hồi điệu múa mà gia đình còn tư liệu lưu giữ được để giới thiệu tới cộng đồng. Hiện nay, CLB Ca trù Thái Hà đang sinh hoạt thực hành di sản thường xuyên tại nhà chủ nhiệm CLB ở số 27 Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ). Trong tình hình dịch Covid-19, ông và các thành viên CLB vẫn truyền dạy ca trù bằng hình thức trực tuyến; tổ chức biểu diễn và diễn thuyết ca trù cho các giảng viên và nghiên cứu sinh của khoa Đông Nam Á, đại học Colombia (Mỹ) trong năm 2020.

Bên cạnh các điểm biểu diễn cố định vẫn được duy trì từ giai đoạn trước, trong cộng đồng ca trù Hà Nội đã xuất hiện thêm một số điểm trình diễn định kỳ hoặc theo sự kiện như: Cao Sơn trà quán (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa), các điểm biểu diễn Đêm Ả đào tại Bụt trà quán (Gia Lâm) hay trong Lễ hội hoa xuân tại khuôn viên Đại học VinUni (Gia Lâm). Điều này cho thấy sự mở rộng ảnh hưởng của ca trù so với trước đây.

Kiếm tìm thế hệ kế cận

Những năm gần đây, số lượng những người trực tiếp theo nghề, thực hành di sản dù đã có những khởi sắc hơn so với giai đoạn trước, song nghệ nhân hát ca trù còn lại ít, hầu hết tuổi cao, một số đã mất nên việc truyền dạy gặp khó khăn. Theo thống kê của Sở VH&TT Hà Nội, từ 2018 - 2021 đã có 2 nghệ nhân qua đời. Trong đó có Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Mùi (CLB Ca trù Thái Hà) và Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Hiền (CLB Ca trù Ngãi Cầu). Đồng thời, một số nghệ nhân lớn tuổi, sức khoẻ yếu không thể hoặc khó thực hiện truyền dạy như Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Khướu – 93 tuổi (CLB Ca trù Chanh Thôn), Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Sinh – 98 tuổi (quận Bắc Từ Liêm).

Bên cạnh đó, thời gian truyền dạy ca trù phải kéo dài từ 3 - 5 năm, thậm chí từ 7 - 10 năm trong khi có ít người theo học. Theo các chuyên gia, tình trạng thế hệ kế cận thường xuyên không ổn định và có biến động về số lượng và con người tiềm ẩn với nguy cơ bị thiếp hụt người thực hành di sản nếu không có các biện pháp bảo vệ thường xuyên, liên tục.

Trong bối cảnh đó, nhằm quảng bá, nhân rộng và phát huy giá trị của di sản, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thi, các hoạt động trình diễn, giới thiệu nghệ thuật ca trù. Đơn cử, năm 2019, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức Liên hoan Ca trù Hà Nội với sự tham gia của 30 thí sinh dự thi múa hát tập thể, 26 thi sinh dự thi Đào nương, Kép đàn và Trống chầu và 3 thí sinh tự do.

Vinh danh nghệ nhân tiêu biểu

Nhằm nâng cao giá trị nhận thức của cộng đồng về giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể Hát Ca trù, Sở VH&TT Hà Nội đã tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản Hát Ca trù bằng nhiều hình thức.

Đơn cử, di sản Hát Ca trù đã được đưa vào nội dung biểu diễn tại các chương trình, sự kiện văn hóa của TP. Năm 2019, sau khi có Quyết định và bằng vinh danh các “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” của Chủ tịch nước đối với các nghệ nhân di sản phi vật thể, trong đó có nghệ nhân ca trù, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức Lễ vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám một cách trang trọng, kịp thời động viên, khích lệ các nghệ nhân và thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống. Năm 2020, Sở VH&TT Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được TP giao đối với công tác xét tặng các danh nhiệu Nghệ nhân lần thứ III và đề xuất Hội đồng cấp Bộ xét tặng 92 nghệ nhân. Đến năm 2021, Hội đồng cấp Bộ đã thông qua Hồ sơ của 11 “Nghệ nhân Nhân dân” (trong đó có 3 nghệ nhân Ca trù) và 60 “Nghệ nhân Ưu tú” (trong đó có 7 nghệ nhân Ca trù). Hiện nay đang chờ kết quả xét của Hội đồng cấp Nhà nước.

Thời gian tới, nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Hát Ca trù, xác định bảo tồn là quá trình lâu dài; giới thiệu nghệ thuật trình diễn Hát Ca trù tại các điểm di tích, đưa vào các tour du lịch; tổ chức đào tạo các đối tượng khán giả khác nhau để có thể nghe hiểu ca trù, đưa hát ca trù vào nội dung đào tạo chuyên nghiệp và sinh hoạt ngoại khóa của các trường phổ thông, đại học.
Hà Nội đang có lớp nhân tố mới với vốn hiểu biết và khả năng thực hành ca trù phong phú. Sự xuất hiện của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ tuổi đã cho giới chuyên môn cũng như khán giả thấy được sức sống mới của loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại. Đó chính là biểu hiện về mức độ phổ biến của ca trù trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam GS Tô Ngọc Thanh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần