Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Kế hoạch tuyên truyền về cải cách hành chính năm 2015, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính”.

Tham dự buổi giao lưu - tọa đàm trực tuyến hôm nay có các khách mời:

- Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội

Ông Trần Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm

- Ông  Nguyễn Thanh Bình - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội

- Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng CCHC Sở Nội vụ

Mời độc giả tham gia giao lưu và đặt câu hỏi với các khách mời tại đây
Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính - Ảnh 1
Ông Lại Bá Hà - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị tặng hoa các khách mời tham gia buổi Giao lưu - Tọa đàm trực tuyến.
Nội dung giao lưu:
Nguyễn Chí Trung - Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: chitrung1123@gmail.com
Thực hiện “Năm Kỷ cương hành chính” từ năm 2013 đến nay và Chương trình 08 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015” đến nay, TP cũng như các đơn vị, quận, huyện đã có những chuyển biến tích cực như thế nào trong việc tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, công dân khi đến giao dịch hành chính tại các cơ quan nhà nước?
Ông Ngô Anh Tuấn Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:
Năm 2015 là năm tiếp tục thực hiện kỷ cương cải cách hành chính và cũng là năm các đơn vị nỗ lực thi đua chào mừng ĐH Đảng, với chức năng là cơ quan tham mưu về công tác CCHC, Sở Nội vụ đã chỉ đạo các cơ quan về công tác CCHC và đã có những đánh giá chung.

Như chúng ta đã biết, CCHC được xuất phát từ các kế hoạch và căn cứ vào kế hoạch của TP. Các cơ quan, ban, ngành đã tập trung vào triển khai thực hiện các kế hoạch này. Đồng thời, TP cũng luôn chỉ đạo kiểm tra, giám sát và huy động các kênh thông tin tuyên truyền sâu rộng về CCHC. Trong đó, cuộc GLTT với báo Kinh tế & Đô thị cũng là hoạt động có ý nghĩa về việc tuyên truyền.

Trong năm 2015, chúng tôi có ghi nhận một số kết quả đáng khích lệ như TP chỉ đạo kịp thời, đầy đủ các hoạt động CCHC, triển khai toàn diện, một số nội dung được TP chỉ đạo sớm so với thời hạn của Bộ, ngành quy định như:

Thứ nhất, mảng hoạt động CCHC về đăng ký kinh doanh,
Sở Kế hoạch - Đầu tư đã thực hiện để rút ngắn thời gian, giảm bớt lượt đi lại của công dân, DN.

Thứ hai là hoạt động thí điểm áp dụng cơ chế một cửa dịch vụ công ở đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Trung tâm giới thiệu việc làm của Hà Nội. Cơ chế một cửa từ trước được áp dụng ở dịch vụ công của các đơn vị hành chính và cuối năm 2014, TP đã thí điểm ở Công ty nước sạch Hà Nội và Trung tâm giới thiệu việc làm đã giúp giảm được thời gian giải quyết công việc, thời gian đi lại của công dân, rà soát, công bố được bộ dịch vụ công này, nhân rộng mô hình này ra các khối hành chính sự nghiệp như: Hoạt động dịch vụ công mảng khai sinh, hộ khẩu thường trú, bảo hiểm y tế; mảng giáo dục,…

Thứ ba, Tháng 3/2015, Bộ Nội vụ tham mưu CP ban hành quyết định về áp dụng cơ chế một cửa của cơ quan nhà nước phục vụ công dân nhà nước đến giao dịch hành chính, Sở đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan thành phố để ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định 84 của TP về quy định áp dụng cơ chế một cửa cải cách hành chính tại các cơ quan Nhà nước

Thứ tư, những năm gần đây, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, cấp bộ được áp dụng trên toàn quốc, Sở đã kết hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu UBND TP hoàn thiện, công bố bộ chỉ số cải cách hành chính để chấm điểm các cơ quan thuộc TP quản lý và năm 2016 bộ chỉ số này sẽ được áp dụng trên toàn thành phố. Như vậy công tác  CCHC đã được áp dụng trên toàn thành phố, mọi phương diện cùng sự đóng góp của người dân và các cơ quan liên quan.

- Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội:

Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp đầu tiên thí điểm cải cách hành chính (CCHC) về dịch vụ công. Năm 2009, Trung tâm bắt đầu được giao nhiệm vụ thực hiện các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đây là công tác mới, có nhiều thủ tục mang “dáng dấp” thủ tục hành chính (TTHC).

Vì vậy, khi Chương trình 08 về CCHC của Thành ủy được triển khai vào năm 2013, cán bộ Trung tâm phải nỗ lực thay đổi rất nhiều, trước tiên là về nhận thức, sau đó là chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ công tác, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp để triển khai đồng bộ, phù hợp.

Sau khi hoàn thành đề án của TP, hiệu quả lớn nhất là Trung tâm đã cung cấp cho người lao động đang thất nghiệp một môi trường thân thiện, nghiệp vụ chuyên nghiệp, dịch vụ công minh bạch, giúp người lao động hài lòng, rút ngắn thời gian.

Ngoài ra, Trung tâm có thêm tư vấn hỗ trợ việc làm, học nghề cho người lao động, giúp người lao động sớm trở lại thị tường lao động, nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, thông qua các hoạt động của Trung tâm.
 
Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính - Ảnh 2
Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Giám đốc  Sở Nội vụ Hà Nội trả lời trực tuyến
 
Lê Văn An - Tây Mỗ - Nam Từ Liêm - Hà Nội. Email: anlv@gmail.com

Thực hiện “Năm Kỷ cương hành chính” từ năm 2013 đến nay và Chương trình 08 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015” đến nay, TP cũng như các đơn vị, quận, huyện đã có những chuyển biến tích cực như thế nào trong việc tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, công dân khi đến giao dịch hành chính tại các cơ quan nhà nước?

Ông Trần Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm:
Ngay từ khi mới thành lập, quận Nam Từ Liêm đã ban hành Chương trình 06 cũng như nhiều văn bản nhằm quán triệt cán bộ viên chức thi hành công vụ về cải cách hành chính. Cải cách hành chính được triển khai đồng bộ cả 6 nội dung cũng như xác định rõ thời gian hoàn thành.

Quận đã thực hiện được một số kết quả đáng lưu ý như: Thực hiện tốt cơ chế 1 cửa, công khai thủ tục hành chính 100%, chủ động xây dưng quy chế phối hợp về cấp giấy khai sinh, hộ khẩu thường chú. Giảm thời gian đi lại của người dân từ 6 lần xuống còn 2 lần, thời gian giải quyết giảm từ 27 ngày còn từ 5-7 ngày.

Đặc biệt việc xóa đăng ký hộ khẩu thường trú cho người đã mất được liên thông trên địa bàn quận, qua đó giảm đáng kể thời gian đi lại. Mô hình này đã được Sở Nội vụ nhân rộng tại nhiều quận huyện trên địa bàn TP.

Ngoài ra, các phòng ban đơn vị của Quận cũng thường xuyên tổ chức, đăng ký thi đua giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Nhờ vậy thủ tục hành chính được giải quyết đúng hẹn xấp xỉ 100%. Từ đó, Quận Nam Từ Liêm đã được Sở Nội vụ xếp là 1 trong 2 quận huyện đứng đầu TP về cải cách hành chính.
Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính - Ảnh 3
Toàn cảnh buổi Giao lưu trực tuyến: “Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính”.
 
Dương Thùy Linh - Hàng Bông, HN. Email: duonglinh-hn@gmail.com
Về sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thuộc TP, Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội là cơ quan chủ trì công tác khảo sát điều tra xã hội học. Qua cuộc điều tra gần đây nhất, ông có rút ra nhận xét như thế nào? Lĩnh vực dịch vụ hành chính công nào được đánh giá phục vụ tốt nhất, và lĩnh vực nào cần phải có nhiều cố gắng để cải thiện chất lượng phục vụ, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội:
Trong những năm qua, TP Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến công tác CCHC với một triết lý quan trọng là chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ. Theo đó, nền hành chính hướng đến mục tiêu đạt được sự hài lòng của người dân khi phục vụ các dịch vụ công.

Từ triết lý CCHC này dẫn đến nhu cầu cần tìm hiểu, khảo sát nhu cầu, nhận định của người dân. Qua công tác khảo sát sự hài lòng của tổ chức và người dân với dịch vụ hành chính công nhằm đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp đạt đến mức độ như thế nào, ý kiến phản hồi của người dân về hạn chế, bất cập về các dịch vụ đang cung cấp. Việc tiến hành khảo sát này được thực hiện qua phương pháp điều tra xã hội học, qua các bảng biểu, khảo sát.

Công tác khảo sát được lãnh đạo UBND TP quan tâm chỉ đạo thực hiện và sự quan tâm của hệ thống chính quyền các cấp, đặc biệt là các cơ quan cung cấp dịch vụ dù ban đầu có không ít lo ngại về tính khách quan của công tác khảo sát. Bên cạnh đó, còn có sự hưởng ứng, quan tâm của người dân được khảo sát.

Quá trình khảo sát là khách quan, minh bạch nên kết quả hoàn toàn chính xác, sát với thực tế của các dịch vụ và giúp đánh giá những ưu và nhược điểm của dịch vụ. Sự hài lòng của người dân thể hiện cao nhất qua dịch vụ CMND với tỷ lệ là 91,33% nhờ áp dụng những công nghệ hiện đại, hạn chế được tối đa thời gian đi lại của người dân. Tuy nhiên, một số dịch vụ chưa cao như cấp giấy sổ đỏ 71,16% do một số nguyên nhân khách quan như hệ quả lịch sử của hệ thống văn bản về đất đai. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan liên quan đến năng lực của một số cán bộ và hiểu biết của người dân về hệ thống văn bản về đất đai.

Theo tôi, việc khảo sát sự hài lòng của người dân với dịch công nên tiến hành thường xuyên nhằm giúp đánh giá những cải tiến những dịch vụ công có mang lại hiệu quả không, qua đó thực hiện các điều chỉnh phù hợp để nâng cao chất lượng một cách thực chất và hiệu quả hơn.
 
Nguyễn Văn Quý - Mỹ Đình - Nam Từ Liêm - Hà Nội. Email: quynv@gmail.com
Để bắt đầu áp dụng chỉ số này từ đầu năm 2016, cũng nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, bản thân quận Nam Từ Liêm đã có những sự chuẩn bị như thế nào, từ vấn đề con người cho đến cơ sở vật chất, trang thiết bị?
Ông Trần Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm:
Trong năm 2015, quận Nam Từ Liêm đã đầu tư, trang bị đầy đủ các thiết bị, máy móc cho bộ phận một cửa từ cấp phường như máy xếp hàng, máy tra cứu… Trong năm 2016, quận sẽ đưa vào hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính tại bộ phận một cửa. Qua đó lãnh đạo quận có thể kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ làm việc cũng như mức độ hài lòng của dân.

Bên cạnh đó, quận sẽ tiếp tục triển khai phần mềm ứng dụng quản lý hồ sơ hành chính. Thực hiện tốt liên thông, ứng dụng thông tin tin học trong giải quyết thủ tục hành chính nhờ vậy có thể phục vụ người dân được tốt nhất.

Quận Nam Từ Liêm sẽ thường xuyên tổ chức đăng ký thi đua giữa các đơn vị nhằm giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân. Bố trí đầy đủ cán bộ công chức, phân công rõ ràng, quy trách nhiệm, thường xuyên tổ chức tập huấn tại các bộ phận thực hiện thủ tục hành chính.

Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện thủ tục hành chính ở các đơn vị trên địa bàn quận cũng sẽ được tăng cường mạnh trong năm 2016.
 
Trịnh Thị Ngọc Minh - Hà Đông, Hà Nội
Liên quan đến “Chỉ số đánh giá kết quả CCHC của các sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP giai đoạn 2016 - 2020” mà UBND TP vừa ban hành: - Sở Nội vụ là cơ quan chủ trì xây dựng tham mưu trình TP ban hành bộ chỉ số này, ông có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của việc TP ban hành chỉ số này?
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng CCHC Sở Nội vụ:
Việc theo dõi đánh giá dựa trên chỉ số được coi là phương pháp, công cụ đánh giá theo dịch vụ hành chính công hiện tại. Các quốc gia trên thế giới khi đánh giá hoạt động đều dựa trên phương pháp này.
Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính - Ảnh 4
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng CCHC Sở Nội vụ trả lời trực tuyến
Đây không phải lần đầu tiên chính quyền TP Hà Nội áp dụng phương pháp này, tuy nhiên gần đây cách tiếp cận đánh giá này mới được các cơ quan nhà nước tập trung nâng cao và phát triển.

Phương thức đánh giá hiệu quả CCHC truyền thống bao gồm hệ thống báo cáo kết hợp công tác kiểm tra rà soát giữa các cơ quan cấp cao với cấp dưới. Phương thức này có một số ưu điểm như đảm bảo tính hệ thống, gắn trách nhiệm cụ thể với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều hạn chế như, chủ yếu dựa trên nội dung cơ sở báo cáo nên tính khách quan không được đảm bảo.

Bên cạnh đó, nếu cơ quan cấp trên không thường xuyên tổ chức kiểm tra sát sao, không thể đảm bảo tính chính xác. Phương pháp còn nặng về định tính, chưa quy đổi ra tính chất định lượng về mức độ hoàn thành CCHC thông qua số liệu cụ thể. Thêm vào đó, qua đánh giá công tác CCHC, chúng tôi nhận thấy đang thiếu kênh liên quan tới các cơ quan tổ chức mà chính quyền phục vụ phản hồi như thế nào.

Do đó, TP và Sở Nội vụ chỉ đạo đã lập tổ công tác và xây dựng đề án xây dựng bộ chỉ số. Liên quan tới bộ chỉ số, chúng tôi có thể khẳng định về mục đích và ý nghĩa như sau:

Ý nghĩa:

- Đảm bảo đánh giá theo dõi kết quả hoạt động CCHC của các cơ quan, đơn vị trong TP một cách chính xác

- Đổi mới phương pháp theo dõi đánh giá, thay vì chủ yếu dựa trên kết quả đầu ra.

Ngoài việc đánh giá kết quả, và tác động cơ quan CCHC tới đơn vị được phục vụ, bên cánh đó coi ý kiến người dân phản hồi là một dữ liệu đầu vào quan trọng.

- Coi trọng việc đánh giá và vai trò của người dân vào việc tham gia đánh giá

- Từ đó, các cơ quan tổ chức hành chính tiếp tục tự đánh giá tìm gia khuyết ưu điểm để cải thiện quá trình CCHC.

Mục tiêu:

Áp dụng đồng bộ trên phạm vi toàn bộ các cơ quan chức trách trên địa bàn TP một phương pháp chuẩn, công cụ tiêu chuẩn để đánh giá hoạt động CCHC. Một khi được công bố thường kỳ, kết quả sẽ trở thành động lực thúc các cơ quan, đơn vị nâng cao các chỉ số đánh giá của mình trong thời gian tiếp theo.
 
Lê Văn Thoại - Mễ Trì - Nam Từ Liêm - Hà Nội. Email: thoailv@gmail.com
Áp dụng bộ chỉ số đánh giá kết quả CCHC vào thực tế hoạt động của quận Nam Từ Liêm, ông nhận thấy có những tiêu chí, tiêu chí thành phần nào còn nhiều rào cản nhất, nên khó đạt được điểm cao? Chẳng hạn, các tiêu chí như “Thực hiện tinh giản biên chế”, “Xây dựng Ðề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức”, “Tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xây dựng Ðề án vị trí việc làm được TP thẩm định, thông qua”, có thực hiện được và có thể đạt điểm cao không?
Ông Trần Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm:
Quận và các đơn vị công lập trên địa bàn đã xây dựng xong “Ðề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức” và đang chờ TP phê duyệt.

Tuy nhiên, do là quận mới thành lập, công việc nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đô thị, chỉ tiêu thu ngân sách cao… Để hoàn thành được cần có số lượng công nhân viên chức tăng lên rất nhiều nhưng vẫn phải đảm bảo tinh giảm biên chế, điều này gây khá nhiều khó khăn cho Nam Từ Liêm.
 
Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính - Ảnh 5
Ông Trần Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm trả lời trực tuyến.
Phan Như Thủy - Hoàng Mai
Để bắt đầu áp dụng chỉ số này từ đầu năm 2016, cũng nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, bản thân sở/quận/huyện của ông đã có những sự chuẩn bị như thế nào, từ vấn đề con người cho đến cơ sở vật chất, trang thiết bị?
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng CCHC Sở Nội vụ:
Trong Dự thảo Kế hoạch triển khai xác định chỉ số CCHC TP năm 2016, trong đó tham mưu đầy đủ các nội dung liên quan phân công trách nhiệm cho các sở ngành, địa phương. Bên cạnh đó, Sở đã phân công và bố trí nguồn ngân sách cho việc triển khai xác định bộ chỉ số.

Đặc biệt, với mức thang điểm là 100, 35% trong số điểm đánh giá này dựa trên các điều tra xã hội học, thông qua đó thể hiện các suy nghĩ, cảm nhận của người dân tới quá trình CCHC, đảm bảo tính xác thực của chỉ số. Đây là một khâu quan trọng trong quá trình thực hiện bộ chỉ số, tốn nhiều công sức và nguồn vốn theo dự kiến.

Bản kế hoạch cũng bao gồm dự kiến vềcác nội dung liên quan lộ trình và thời gian tổ chức xác định chỉ số, trong đó có thông tin về lộ trình, cơ quan, nguồn lực… quá trình hình thành bộ chỉ số CCHC cho TP trong năm tới.
 
Mai Thùy Ngọc - Gia Lâm
Áp dụng bộ chỉ số đánh giá kết quả CCHC vào thực tế hoạt động của sở/quận/huyện mình, ông nhận thấy có những tiêu chí, tiêu chí thành phần nào còn nhiều rào cản nhất, nên khó đạt được điểm cao? Chẳng hạn, các tiêu chí như “Thực hiện tinh giản biên chế”, “Xây dựng Ðề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức”, “Tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xây dựng Ðề án vị trí việc làm được TP thẩm định, thông qua”, có thực hiện được và có thể đạt điểm cao không?
Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:
Cảm ơn độc giả đã có câu hỏi, về nội dung này, tôi xin phúc đáp như sau. Trước hết tại sao lại đặt vấn đề có rào cản, tôi nghĩ rằng, trong việc tổ chức thực hiện nội dung CCHC, công tác quan trọng là công tác tinh giản biên chế, thứ hai là xây dựng vị trí việc làm ở đơn vị sự nghiệp, đây là nội dung cứng và đã được chính phủ phê duyệt, các cơ quan đơn vị có trách nhiệm phải thực hiện. Đây là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan đơn vị.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, luôn có những khó khăn và phát sinh vướng mắc và các cơ quan khi mắc phải thì phải cố gắng khắc phục cũg như có đề xuất lên cấp trên để khắc phục. Cơ quan nào cũng cố gắng để đạt được điểm trần của tiêu chí đó.

Tôi cũng rất nhất trí với đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí đã nói cơ quan nào đã đạt được 100 điểm tối đa thì không phải cải cách hành chính nữa, CCHC là công việc mà các cơ quan phải thực hiện thường xuyên, liên tục.

Vì thế, theo tôi, mong muốn đạt điểm trần là việc hết sức bình thường. Theo tôi cần đánh giá, theo dõi, đánh giá của cơ quan đơn vị phải được xét cách khách quan, hơn nữa là để đánh giá kết quả phục vụ người dân một cách tốt hơn.
 
Nguyễn Hoài Thu - Đống Đa, Hà Nội
Liên quan đến Quyết định thay thế Quyết định 84/2009/QĐ-UBND ngày 1/7/2009 của UBND TP “quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc TP” mà UBND TP đang xây dựng sắp ban hành. Ông có thể cho biết những điểm mới nổi bật trong Quyết định thay thế so với Quyết định 84 trước đây nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, công dân trong giao dịch hành chính, nhất là việc bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị và quy định đối với cán bộ công chức tại Bộ phận Một cửa?
Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:
Gần đây chúng ta thực hiện theo quyết định số 84 của TP và trên cơ sở quyết định số 09/2013 của Chính phủ về ban hành quy chế, TP có giao Sở Nội vụ có ban hành dự thảo sửa đổi, bổ sung quyết định số 84. Và những nội dung tôi cung cấp cho báo sau đây chỉ là nội dung trong dự thảo, có những điểm cụ thể hơn, điểm mới như: Về đối tượng áp dụng, dự thảo quy định cụ thể hơn trực thuộc, tổ chức hành chính trực thuộc Sở như các chi cục có chức năng quản lý nhà nước phải áp dụng cơ chế một cửa.

Về thời gian làm việc, chúng ta đang có quy định là làm việc 40 giờ/tuần, các cơ quan dịch vụ công tiếp nhận hồ sơ trả vào thứ Bảy, Chủ nhật nhưng hiện nay các cơ quan thực hiện có sự khác nhau nên chúng tôi đã có quy định chi tiết và cụ thể về thời gian làm việc buổi sáng, buổi chiều để làm sao các bộ phận làm được việc chuyển giao với bộ phận khác trong cơ quan để tạo ra sự liên thông,… chúng tôi cũng ghi nhận hướng mở là trong trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan đơn vị có quyền tăng thời gian giao dịch hành chính lên, nhưng đa phần là không tăng thời gian chung lên.

Chúng tôi cũng đề xuất mã thủ tục hành chính, mã hồ sơ hành chính này có ý nghĩa trong giao dịch sổ sách, ứng dụng CNTT sẽ là một loạt chữ số, dữ liệu dễ dàng tra cứu hồ sơ, thể hiện là chuỗi ký tự từ thời gian đến địa điểm để giúp cho hoạt động CCHC được thực hiện tốt hơn.

Thứ ba, dự thảo cũng đưa ra, số lượng người làm việc trong bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, Từ trước đến nay, số lượng người làm việc do thủ trưởng đơn vị quyết định nhưng trong dự thảo chúng tôi không quy định cứng số lượng là bao nhiêu. Cụ thể, một trưởng bộ phận, 1 hoặc một số công chức tùy theo từng thời điểm cho Chủ tịch xã quyết định, có thể là 2 người hoặc trên 2 người, tùy theo khối lượng giao dịch hành chính.

Một số điểm mới khác như: Trong quy định cứng của cấp trên là diện tích bao nhiêu (ví dụ là 40m) tuy nhiên với địa bàn đô thị của Hà Nội, đặc biệt là quận nằm trong khu đô thị lõi hiện nay rất khó khăn về trụ sở nên chúng tôi đưa ra đề xuất thêm điều kiện là trong điều kiện chưa đủ diện tích theo quy định của Chính phủ thì mỗi cơ quan đơn vị bố trí điều kiện diện tích phù hợp nhất với cơ quan đơn vị. Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả phải được bố trí ở nơi trang trọng nhất ở cơ quan để phục vụ người dân tốt nhất. Đây là những đề xuất chúng tôi đưa vào trong dự thảo và đang lấy ý kiến của TP.
 
Lê Minh Long - Cầu Diễn - Nam Từ Liêm - Hà Nội. Email: longlm@gmail.com
Quận Nam Từ Liêm đã nghiên cứu dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 84 chưa, và theo ông có thể thực hiện được không, có những điểm vướng mắc nào mà ông thấy khó áp dụng vào đơn vị mình không?
Ông Trần Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm:
Việc ban hành Quyết định thay thế Quyết định 84 là điều rất cần thiết, qua đó sẽ tạo sự chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính và thủ tục một cửa.

Ngay từ tháng 6/2015, quận Nam Từ Liêm đã bắt đầu triển khai về mặt tinh thần của dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 84. Quán triệt đội ngũ cán bộ công nhân viên chức thực hiện thủ tục hành chính tốt hơn, thân thiện với người dân hơn.

Các tiêu chí như máy quét mã vạch, diện tích bộ phận một cửa, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ hành chính… được đáp ứng đầy đủ theo dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 84.

Quận Nam Từ Liêm khẳng định hoàn toàn ủng hộ và thực hiện được Quyết định mới.
 
Vũ Văn Chiến - Hà Đông, Hà Nội. Email: vuchienhd@gmail.com
Là một trong 2 đơn vị được TP giao thí điểm triển khai đề án này, ông có thể nói rõ đơn vị mình đã vượt qua những khó khăn ban đầu thế nào và đã đạt được kết quả ra sao sau thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo cơ chế một cửa? 
Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội:
Là một trong 2 đơn vị được TP giao thí điểm cơ chế một cửa, chúng tôi khi tiếp nhận và triển khai cũng có những khó khăn. Thứ nhất, đó là hệ thống văn bản chính sách chưa đồng bộ. Luật Việc làm có hiệu lực từ cuối 2013 nhưng nghị định hướng dẫn đến 2015 mới có, gây khó khăn cho công tác rà soát, chuẩn hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, quy hoạch cơ sở vật chất, trang thiết bị đòi hỏi phải phù hợp, đồng bộ không chỉ ở trụ sở chính ở Trung Kính mà còn tại 5 điểm trên toàn TP Hà Nội trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật trong quá trình thực hiện chưa được đồng bộ. Đến khi Đề án kết thúc vào tháng 8-9/2015, toàn bộ cơ sở vật chất mới được đồng bộ hoàn toàn.

Bên cạnh đó, do đây là lĩnh vực mới, các cán bộ còn chưa quen với quy trình nghiệp vụ nên Trung tâm phải tiến hành đào tạo lại cán bộ.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm và chủ đạo của công tác TP, sự cố gắng của cán bộ Trung tâm, đến nay các dịch vụ công đã được triển khai đồng bộ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp kiểm soát toàn bộ quá trình từ khi người dân đến làm thủ tục đến khi nhận được các dịch vụ. Công tác thông tin công khai, giúp người dân cũng có thể giám sát quá trình luân chuyển hồ sơ, hồ sơ của người dân đang nằm ở khâu nào và ngày nào nhận được...

Nhờ đó, thông qua các chỉ số đánh giá, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ của Trung tâm luôn đạt mức cao, từ 70-80,4%, trong đó, ghi nhận về thái độ của cán bộ là 89,3%.

Qua quá trình cải cách TTHC, nhiều dịch vụ do Trung tâm thực hiện đã rút ngắn 3 ngày, có dịch vụ giảm tới 5 ngày....
 
Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính - Ảnh 6

Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội trả lời trực tuyến.
 
Mai Thanh Giang - Lạc Long Quân - Hà Nội. Email: giangbinhllq@gmail.com
Theo Quyết định sửa đổi quyết định 84 sắp ban hành, việc bố trí vách ngăn kính tại bộ phận một cửa, ngăn cách giữa cán bộ tiếp nhận và người dân có tiếp tục nữa hay không? Quan điểm của TP trong vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:
Việc giao dịch hành chính diễn ra thường xuyên, hàng ngày, giải quyết nhu cầu hành chính của công dân, tổ chức gọi tắt là bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo ý kiến của cá nhân tôi, trước hết khẳng định việc giao tiếp giữa công dân, đại diện doanh nghiệp với đại diện cơ quan hành chính nhà nước phải thực sự bình đẳng, bình đẳng trong giao tiếp, công khai, minh bạch, tùy theo điều kiện, diện tích, kinh phí của đơn vị. Quy định hiện nay là không quy định cụ thể với từng cơ quan, đơn vị.
 
Hoàng Trọng Văn - Láng Hạ, Hà Nội. Email: hoangvan@gmail.com
Tiến tới áp dụng những quy định trong Quyết định thay thế Quyết định 84, đơn vị của ông đã có những chuẩn bị như thế nào về cơ sở vật chất và con người để đầu tư tốt nhất cho bộ phận Một cửa, nhằm phục vụ người dân khi đến giao dịch?
Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội:
Với Trung tâm, quá trình CCHC là quá trình liên tục, cấp độ ngày càng cao dần. Vì vậy, sau khi thực hiện thành công giai đoạn 1, tiến tới áp dụng các quyết định thay thế Quyết định 84, chúng tôi sẽ cải thiện môi trường, cảnh quan, tăng tính thân thiện, thoải mái với các cơ quan, DN, cá nhân đến giao dịch.

Khi bước vào Giai đoạn 2, TP chính thức đồng ý đầu tư cho Trung tâm nâng cấp dịch vụ công, thông qua ứng dụng CNTT, xây dựng số hóa hồ sơ thất nghiệp bắt đầu vào năm 2017-2018.

Về con người, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện về mô hình, bộ máy đáp ứng yêu cầu về CCHC, đào tạo cán bộ cả mặt chyên môn và kỹ năng giao tiếp.

Mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là đưa các hoạt động vào mô hình Một cửa, liên tục cải tiến để phục vu tốt hơn, đem lại lợi ích cho người dân.
 
Nguyễn Thu Trà - trathu3334@gmail.com. Email: trathu3334@gmail.com
Từ những kết quả sau thời gian thí điểm, TP có dự định mở rộng đề án này ra các đơn vị khác trên địa bàn hay không, và cụ thể sẽ triển khai như thế nào?
Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:
Chúng tôi dự kiến triển khai công việc: Thực hiện kế hoạch phải bố trí người làm, nguồn lực, chọn một số đơn vị cụ thể như mảng các trường CĐ, ĐH, trung cấp chuyên nghiệp của Thành phố, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan của TP để khảo sát, các Sở, ban phục vụ lễ tang thành phố, dịch vụ sự nghiệp công của các đơn vị rất đa dạng, phong phú không như khối hành chính.

Chúng ta phải rà soát, thống kê dịch vụ công hiện hành của các đơn vị như: số lượng, loại, cơ sở thực tiễn của dịch vụ công đó, từ đó rà soát tiếp quy trình hiện hành ra sao, mức phí, yêu cầu điều kiện thủ tục hồ sơ cần có…. Rồi chuẩn hóa lại, tiếp theo là công bố để công khai các dịch vụ đó.

Trước khi thực hiện việc đó thì phải chốt lại điều đấy là thuận lợi cho người dân, rút ngắn thời gian, điều kiện hồ sơ, quy trình, giảm lượt đi lại hơn, đảm bảo sự kiểm soát nội bộ của cơ quan đơn vị, chọn trong số lượng dịch vụ công đó cái nào áp dụng được cơ chế một cửa, cái nào không. Căn cứ vào đó đề xuất với TP.

Và thực chất, cơ quan đơn vị làm được hay không là do quyết tâm chính trị của Thủ trưởng cơ quan đơn vị đó, chúng tôi chỉ hướng dẫn, tham mưu. Đây là vấn đề chúng tôi trăn trở rất nhiều.
 
Vũ Tiến Dương (Nam) - Long Biên - Hà Nội. Email: tienduonglongbien@gmail.com
Xin hỏi ông: Liên thông các thủ tục hành chính về  đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi đã thực hiện được tại địa phương nào?
Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:
Tôi xin thông tin nhanh, trong báo cáo của TP, chúng tôi đã khẳng định là TP Hà Nội là thực hiện ngay và sau đó đã có kiểm tra, giám sát. Kết quả cụ thể chúng tôi đánh giá các đơn vị: Quận Nam Từ Liêm, quận Long Biên… làm rất tốt.
 
Đào Nguyên Phong - Gia Lâm, Hà Nội. Email: ngphong@gmail.com
Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội là cơ quan chủ trì tiến hành điều tra xã hội học để làm căn cứ chấm điểm CCHC cho các cơ quan, đơn vị, quận, huyện, thị xã (điểm điều tra XHH chiếm 35%), ông có thể cho biết việc điều tra này sẽ tiến hành với các nhóm đối tượng cụ thể nào, và căn cứ vào những nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần ra sao?
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội:
Theo kế hoạch mà TP đã ban hành, để ban hành chỉ số CCHC, điểm điều tra XHH chiếm 35%. Việc điều tra XHH được tiến hành với 2 nhóm đối tương: Đại biểu HĐND TP và đại biểu HĐND cấp quận, huyện; cán bộ công chức trong chính cơ quan thực hiện CCHC, cán bộ công chức cấp quận, huyện. Đối tượng thứ 2 là đối tượng phục vụ của cơ quan HCNN là người dân có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính.

Về các nội dung tiến hành điều tra, khảo sát: đổi mới cơ chế tài chính, hiện đại hóa CCHC, thực hiện 1 cửa và 1 cửa hành chính liên thông… Những nội dung này được thiết kế theo tiêu chí đơn giản, định lượng được, phù hợp, đích đáng, thời sự, cập nhật…
Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính - Ảnh 7
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội trả lời trực tuyến
 
Trần Thủy Lan (Nữ) - Đan Phượng- Hà Nội. Email: lanthuy24@gmail.com
Tôi sống tại huyện Đan Phượng, trước kia, khi muốn ra UBND xã xin làm thủ tục hành chính thì cán bộ hành chính thường yêu cầu người dân xuất trình sổ hoàn thành nghĩa vụ thuế của hộ nông dân mới xác nhận. Cho tôi hỏi thủ tục như trên có đúng với quy định hay không?
Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:
Mỗi thủ tục hành chính độc lập với nhau về quy trình, kết quả giải quyết. Hai việc này không liên quan đến nhau nên công dân khi tham gia thủ tục hành chính cần thiết chỉ phải xuất trình giấy tờ chứng minh nhân thân của mình, hồ sơ thủ tục hành chính mà mình cần giải quyết. Việc nộp thuế không liên quan đến nhau nên bạn cần yêu cầu xã phải thực hiện theo đúng pháp luật.
 
Mai Thu Thủy (Nữ) - Sơn Tây, Hà Nội. Email: thuthuyst@gmail.com
Đầu năm 2015, tôi làm thủ tục nhập khẩu cho con tôi. Vì chồng tôi là bộ đội nên tôi đăng ký hộ khẩu cho con theo mẹ. Khi đến UBND xã, cán bộ yêu cầu phải có xác nhận của đơn vị nơi chồng tôi công tác để đảm bảo việc chưa đăng ký khẩu cho con ở nơi công tác để tránh nhập khẩu 2 nơi.
Chồng tôi đã phải mất nhiều lần xin giấy xác nhận tại đơn vị mà xã vẫn chưa chấp nhận vì nói là văn bản giấy tờ chưa hợp lý. Vậy, trường hợp trên, cán bộ xã làm có đúng không? Và có mẫu văn bản xin xác nhận cho trường hợp của chồng tôi không?
Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:
Đây là một vấn đề cụ thể.  Sở Nội vụ là cơ quan thường trực cải cách hành chính nhưng giải quyết thủ tục hành chính có cơ quan chuyên về vấn đề hộ khẩu. Bạn đã giao dịch với công an cấp xã về vấn đề nhập khẩu.

Nguyên tắc chung, cán bộ của cơ quan hành chính nhà nước không được tự ý đặt ra thủ tục hành chính ngoài pháp luật, bạn nên xem hồ sơ họ yêu cầu mình làm thêm hồ sơ đấy có đúng pháp luật hay không, bạn tham khảo bảng công khai niêm yết về hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến khai sinh như: Sổ hộ khẩu, giấy chứng sinh… Nếu xã yêu cầu hồ sơ nằm ngoài bộ hồ sơ đó thì bạn phải yêu cầu thủ trưởng cơ quan phải có kiến nghị, trả lời phản ánh.
 
Trần Hoài Phương - Phú Xuyên - Hà Nội. Email: hoaiphuong82@gmail.com
Hiện nay, tôi thấy nhiều cán bộ xã, phường vẫn có thái độ "hách dịch" khi tiếp dân. Vậy, xin cho hỏi có những tiêu chí, quy định nào để đánh giá thái độ làm việc của những cán bộ đó?
Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:
Nghĩa vụ công chức quy định cụ thể trong luật cán bộ công chức hoặc luật công chức, đồng thời chính phủ cũng đã ban hành bộ quy định quy tắc ứng xử cho công chức, viên chức.

Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính - Ảnh 8

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần