Thay đổi ý thức nhóm doanh nghiệp nhỏ:

Tạo tiền đề lớn trong mục tiêu bảo vệ môi trường

Phạm Công - Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số lượng DN tăng trưởng nhanh, mức độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao dẫn tới phát sinh nhiều nguồn gây ô nhiễm, chất thải, phát thải ngày càng tăng.

Do đó, cần thêm chính sách mở để phát triển kinh tế song song với BVMT, đặc biệt là với nhóm DN nhỏ, còn hạn chế nguồn lực, ngày càng trở nên cấp thiết.

Hạn chế nguồn lực

Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị Môi trường toàn quốc năm 2022, tổng điều tra kinh tế tính đến 31/12/2020, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 các năm 2020 và 2021, số lượng DN vẫn có những tăng trưởng mạnh mẽ.

Cả nước có 683,6 nghìn DN đang hoạt động, kinh doanh với tổng số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,3% về số DN và 4,7% về số lao động so với năm 2016.

Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng nhanh cũng bộc lộ thêm nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Công nhân làm việc tại phân xưởng Công ty TNHH Đông Dương, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Công Hùng
Công nhân làm việc tại phân xưởng Công ty TNHH Đông Dương, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Công Hùng

Bên cạnh những nỗ lực, kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường của DN vẫn còn nhiều tồn tại như, tình trạng DN khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức; nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng; xả thải, ô nhiễm môi trường làm giảm chất lượng môi trường, làm suy giảm mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái và đa dạng sinh học...

Trong số này, VCCI cho rằng nhóm DN lớn; DN có vốn đầu tư nước ngoài được tổ chức, vận hành bài bản và tiềm lực tài chính lớn nên tuân thủ tốt vấn đề tuân thủ chính sách pháp luật, có những chương trình, sáng kiến vượt lên trên mức độ tuân thủ, được triển khai trong nội bộ DN và trong cộng đồng.

Riêng đối với nhóm các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, do nguồn lực hạn chế dẫn đến công tác BVMT chưa được quan tâm một cách đúng mức trong cơ cấu tổ chức của DN cũng như phân bổ nguồn lực cho BVMT. Mặt khác, còn tồn tại tình trạng tập trung vào các lợi ích kinh tế trước mắt, chưa thực sự quan tâm, chú trọng tới BVMT, trong khi đây là một trong những vấn đề trụ cột quan trọng của phát triển bền vững.

Đặc biệt, nhóm DN này chiếm số lượng rất lớn, do đó, các chuyên gia cho rằng nếu thay đổi được tư duy, đẩy mạnh công tác BVMT sẽ đóng góp rất nhiều cho mục tiêu chung. Giảm tiêu tốn thời gian, nguồn lực để khắc phục hậu quả; đẩy mạnh công việc ứng phó, chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như triển khai các mô hình kinh doanh, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đẩy mạnh hiệu ứng số đông

Hoạt động kinh doanh, sản xuất, xây dựng của nhóm DN nhỏ và vừa còn diễn ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật về môi trường qua nhiều hình thức. Nạn đổ trộm phế thải xây dựng, xả thải... diễn ra còn khá thường xuyên ở các địa phương, gây ảnh hưởng đến môi trường. Ví dụ như mới đây, UBND tỉnh Hà Giang vừa xử phạt 400 triệu đồng đối với 2 DN vi phạm về xả nước thải ra môi trường; UBND tỉnh Yên Bái xử phạt 120 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động của một DN có hành vi đổ thải không đúng vị trí xác định trong thiết kế. Đây chỉ là những ví dụ rất nhỏ nếu xét trên thực tế.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, đại diện một DN xây dựng tại Hà Nội (xin giấu tên) thừa nhận việc đổ thải không đúng nơi quy định diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân phần lớn là do điểm đổ quá xa, không thuận tiện dẫn đến phát sinh chi phí. Do đó, DN vẫn thực hiện hành vi vi phạm dù phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt nếu lực lượng chức năng phát hiện. Để giải quyết vấn đề này, vị đại diện DN kiến nghị các cơ quan quản lý cần đổi mới chính sách, tạo điều kiện mang tính phù hợp với thực tiễn, góp phần hỗ trợ DN vừa phát triển kinh tế vừa BVMT.

Trên bình diện rộng hơn, đại diện VCCI cho rằng cần được thực hiện một cách xuyên suốt, đồng bộ từ T.Ư tới địa phương, các bên liên quan và từ cam kết của chính DN. Trong đó, hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và xu thế của thế giới cần được hoàn thiện, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo cho DN trong hoạt động bảo vệ môi trường gắn liền với sản xuất, kinh doanh.

Còn theo Chuyên gia môi trường T.S Nguyễn Phương Đông (Khoa Môi trường - Đại học Mỏ Địa chất), bên cạnh việc xử phạt, công tác nâng cao nhận thức về BVMT của nhóm các DN nhỏ và vừa; DN siêu nhỏ cũng rất quan trọng vì nhóm này chiếm số lượng lớn, qua đó đạt được hiệu ứng số đông. Trong đó, xây dựng các chương trình mục tiêu về công tác BVMT gắn kết các bên liên quan như các hiệp hội, tổ chức đại diện, tập hợp DN đóng vai trò cầu nối giữa Chính phủ, các tổ chức quốc tế.

Cùng đó, nâng cao nhận thức cho DN về hạch toán vốn tự nhiên trong hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn. Kết hợp với sự chung tay của các DN đã triển khai tốt mô hình BVMT.

Mặt khác, hỗ trợ tài chính, tiếp cận nguồn vốn xanh Chính phủ sẽ tạo cơ chế thuận lợi cho DN có nhu cầu tài chính xanh trong nước và quốc tế để thay đổi công nghệ, cách thức hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường. DN cần xây dựng báo cáo phát triển bền vững (hoặc báo cáo môi trường và xã hội, báo cáo phi tài chính) để minh bạch, thực hiện công việc giải trình về hoạt động môi trường với các bên liên quan, các nhà đầu tư và đối tác tiềm năng.

 

"Chúng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhiều nội dung, chính sách mới nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Do đó, các tổ chức, DN và cá nhân cần chủ động nghiên cứu luật và các văn bản hướng dẫn để bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu về BVMT qua đó thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác BVMT.

Từ các chính sách, quy định có liên quan, người dân, DN có vai trò, vị trí trung tâm đối với công tác bảo vệ môi trường. Tích cực, chủ động và tham gia có trách nhiệm vào công tác BVMT chính là bảo đảm sức khỏe, chất lượng sống của chính mình và sự phát triển bền vững của DN." - Chuyên gia môi trường TS Nguyễn Phương Đông (Khoa Môi trường - Đại học Mỏ - Địa chất)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần