Kinhtedothi - Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động-người có công và xã hội năm 2014, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 6/1 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành cần tập trung giải quyết việc làm, dạy nghề và xuất khẩu lao động.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong năm qua. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các địa phương, đoàn thể, các hội nghề nghiệp đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần hoàn thành một trong bốn nhiệm vụ cơ bản của năm 2013 do Chính phủ đề ra, đó là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, làm tốt công tác quốc phòng, an ninh đối ngoại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, hoạt động của ngành trong năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân do điều kiện kinh tế, xã hội nhưng cũng có nguyên nhân do sự điều hành của các bộ, ngành, đặc biệt là sự phối hợp của các bộ, ngành còn nhiều vướng mắc, cần có những giải pháp tích cực giải quyết.
Khẳng định các lĩnh vực của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội là rất quan trọng, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trong năm 2014, ngành cần tập trung giải quyết việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động.
Theo Phó Thủ tướng, để giải quyết việc làm cho người lao động cần chú trọng đến việc đổi mới căn bản, toàn diện công tác dạy nghề theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần làm đầu mối để kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các tỉnh có nguồn lao động lớn.
Lưu ý Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần hướng công tác xuất khẩu lao động như một mũi nhọn trong giải quyết việc làm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Trong năm 2014, ngành cần quyết liệt chấn chỉnh việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thu phí người lao động cao hơn mức quy định. Những đơn vị, doanh nghiệp nào vi phạm cần được xử lý nghiêm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, ngành cũng cần tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ chăm lo đời sống người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trong năm 2014, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần tập trung rà soát, xây dựng các văn bản, chính sách, đề án có mục tiêu rõ ràng, có tính khả thi; tránh việc xây dựng các đề án không mang tính thực tiễn, hiệu quả hoạt động không cao. Ngành cần có sự công khai, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động...
Hội nghị đã đề ra các chỉ tiêu trong năm 2014, đó là tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó tạo việc làm trong nước 1,5 triệu người, xuất khẩu lao động 87.000 người; tuyển mới dạy nghề 1,7 triệu người; giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,7%-2% so với năm 2013, trong đó các huyện nghèo giảm 4%. 97% số gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân cư nơi cư trú; thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em, đảm bảo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện; đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội và gia đình; cai nghiện, phục hồi 35.000 lượt người; phòng ngừa nguy cơ phát sinh mới tệ nạn mại dâm; phòng, chống buôn bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục, góp phần gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc...
Năm 2013, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã bám sát Chương trình công tác của Chính phủ; có kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch về lao động, xã hội, người có công và đạt kết quả tích cực.
Các chỉ tiêu kế hoạch về giảm nghèo, chăm sóc người có công, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội cơ bản hoàn thành. Các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tiền lương, cải thiện quan hệ lao động, quản lý lao động người nước ngoài làm việc ở Việt Nam có đổi mới và đạt kết quả tích cực; công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thiết thực đối với người lao động; bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… có nhiều tiến bộ.
Theo số liệu thống kê, năm 2013, hơn 1,5 triệu lao động được giải quyết việc làm (đạt 96,45% kế hoạch); trong đó giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 1,4 triệu lao động, xuất khẩu lao động 88.155 người. Hơn 1,7 triệu người được dạy nghề (đạt 91,15% kế hoạch), trong đó dạy nghề cho khoảng 450.000 lao động nông thôn (tăng 10,2% so với thực hiện năm 2012).
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước cuối năm 2013 còn 7,8% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015, riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm bình quân 5%, từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89%.
Đến cuối năm 2013, có 82% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xuống dưới 5,6%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế không phải trả tiền tại cơ sở y tế công lập...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như chỉ tiêu tạo việc làm chưa đạt kế hoạch đề ra; tình trạng các doanh nghiệp đưa người lao động ngoài nước vào làm việc ở Việt Nam chấp hành không đúng các quy định của pháp luật còn tương đối phổ biến; lao động thiếu việc làm, việc làm thu nhập thấp làm cho người lao động gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp; trình độ tay nghề người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp. Đời sống nhân dân, người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn; còn có khoảng cách chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư.
Trên các lĩnh vực của ngành, một số địa phương vẫn còn những sai sót, vi phạm phải xử lý như trong lĩnh vực dạy nghề vẫn còn sai phạm, khai man làm hồ sơ để hưởng chính sách người có công, ngược đãi trẻ em…