Tập đoàn VNPT - “đầu tàu” chuyển đổi số quốc gia

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ tập trung vào mảng kinh doanh truyền thống là viễn thông, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) còn đang thể hiện rõ ràng vai trò dẫn dắt đối với quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển hướng kịp thời
Tính đến thời điểm này, có thể nói VNPT là một trong số rất ít DN Việt Nam trụ vững trong đại dịch Covid-19 với lợi nhuận trong 6 tháng đầu 2021 ở mức “dương”.

Cụ thể, nửa đầu 2021, doanh thu hợp nhất của VNPT đạt 26.503 tỷ đồng, tương đương 45,6% kế hoạch, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 3.586 tỷ đồng, tương đương 48,2% so với kế hoạch, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh nhiều DN buộc phải cắt giảm thu nhập của người lao động vì doanh thu đi xuống thì VNPT vẫn giữ nguyên mức lương của cán bộ, nhân viên bằng với cùng kỳ năm 2020.

Lấy viễn thông là lĩnh vực kinh doanh chủ lực của Tập đoàn, từ vài năm trở lại đây, VNPT đã có nhiều thay đổi để chuyển dịch cơ cấu nguồn thu từ dịch vụ thoại thông thường sang dịch vụ dữ liệu. Và 5G chính là lời giải để Tập đoàn này phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
 Ông Nguyễn Thanh Hưng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin VNPT giới thiệu về vai trò của VNPT trong công cuộc Chuyển đổi số quốc gia tại một hội thảo do tập đoàn tổ chức.
Nắm bắt được cơ hội có “một không hai” này, VNPT là một trong những nhà mạng đầu tiên của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, bắt đầu nghiên cứu và triển khai thử nghiệm công nghệ mạng 5G. Song song với đó các dịch vụ dựa trên nền tảng 5G cũng được VNPT dần hiện thực hóa như Trí thông minh nhân tạo (AI), robot, IoT… các cấu phần không thể thiếu cho mô hình TP thông minh cũng như giải pháp 4.0 cho DN.

Tính tới hiện tại, VNPT đang chuyển sang giai đoạn phủ sóng thương mại 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người dùng tại các địa phương này có thể trải nghiệm công nghệ mạng mới thông qua những gói cước giá rẻ. Tốc độ mạng 5G của VNPT cũng ở mức rất ấn tượng khi lên đến hơn 1 gigabits/giây - cao gấp 10 lần tốc độ trung bình của mạng 4G hiện nay, với độ trễ gần như bằng 0. Kết quả này cũng gần tương đương với chuẩn 5G của thế giới.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển 5G, vào đầu tháng 9 vừa qua, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu nâng cấp và phát triển hạ tầng số với Tập đoàn Nokia (Phần Lan). Trước đó, hãng công nghệ mạng hàng đầu thế giới này đang là đối tác chính trợ giúp VNPT triển khai việc thử nghiệm cũng như thương mại hóa 5G tại Việt Nam. Tỷ trọng thiết bị và dung lượng của Nokia chiếm từ khoảng 30 đến 40% các phân hệ hạ tầng mạng lưới của VNPT.

Với thỏa thuận hợp tác mới, VNPT sẽ tiếp tục cùng Nokia phát triển các lĩnh vực như nâng cấp công nghệ mạng lõi nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển dịch hạ tầng công nghệ theo định hướng 5G và điện toán đám mây, nâng cấp hệ thống mạng truyền dẫn đường trục, cung cấp công nghệ mạng quang thụ động tốc độ Gigabit (GPON) thế hệ mới trong phát triển mạng băng rộng cố định…

Tiên phong chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược tại Việt Nam, trong khoảng chục năm trở lại đây, VNPT đã nổi lên như một DN số tiên phong cho quá trình thay đổi mang tính lịch sử này. Không chỉ liên tục thực hiện chuyển đổi số cho chính nội bộ của mình, VNPT còn cung cấp nhiều giải pháp, sản phẩm, công nghệ cốt lõi cho nhiều lĩnh vực từ chính phủ số, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp... góp phần quan trọng vào chuyển đổi số trong nước.

Dấu ấn đậm nét nhất của VNPT được thể hiện rõ ràng qua việc xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh. Tới hiện tại, các sản phẩm chuyển đổi số của VNPT đã triển khai tại 60/63 địa phương và tham gia tư vấn đô thị thông minh trên 40 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Một trong những sản phẩm số tiêu biểu của VNPT là Cổng dịch vụ công quốc gia. Chính thức hoạt động từ tháng 12/2019, đến tháng 3/2021, địa chỉ này đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, với hơn 116 triệu lượt truy cập, chi phí tiết kiệm mỗi năm hơn 8.100 tỷ đồng.

Tại đây, người dân có thể thực hiện trực tuyến các dịch vụ công đổi giấy phép lái xe, nộp thuế điện tử, thông báo khuyến mại, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế… công khai, minh bạch. Thông qua tài khoản trực tuyến, người dân còn đăng nhập được tất cả các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh để thực hiện, theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng, phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Bên cạnh đó, giải pháp chính phủ điện tử cũng được VNPT xây dựng qua hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ra mắt hồi tháng 8/2020. Hệ thống này đã thay đổi hoàn toàn phương thức chỉ đạo, điều hành từ thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dữ liệu số. Từ đó giúp lãnh đạo Chính phủ theo dõi, thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các bộ, ngành, địa phương.

Với cấp địa phương, hiện VNPT đã triển khai giải pháp Trung tâm điều hành thông minh (IOC) được ví như “bộ não số” cho công tác điều hành đô thị thông minh tại gần 30 tỉnh, thành phố từ Đà Lạt, Hà Nam, Cao Bằng, Tây Ninh, Phú Thọ, Lào Cai... Thông qua đây, chính quyền các địa phương có thể thực hiện giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dịch vụ hành chính công, văn bản điện tử, hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, camera an ninh thông minh, camera an toàn giao thông và thông tin trên mạng xã hội. Cụ thể, IOC sẽ thu thập các thông tin, số liệu, thể hiện trực quan, sinh động và đưa ra những dự báo, cảnh báo, giúp chính quyền có cái nhìn tổng quan, đưa ra quyết định theo thời gian thực. Hệ thống cũng kết nối người dân với chính quyền, tăng cường mức độ hài lòng của người dân, DN đối với hoạt động của chính quyền.

Ngoài ra VNPT cũng đang thể hiện vai trò “đầu tàu” chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, môi trường, an ninh thông tin… với nhiều nền tảng công nghệ hiện đại được ứng dụng như blockchain, IoT, AI, Big Data…

Có thể kể đến như ứng dụng khai báo y tế tự nguyện NCOVI với 19 triệu lượt khai báo y tế, trên 56 triệu lượt cập nhật theo dõi sức khỏe và trên 300.000 người khai báo có yếu tố nguy cơ. Hệ sinh thái học trực tuyến VnEdu và VNPT E-Learning đã triển khai tới 20.000 trường, 800.000 tài khoản giáo viên, 8 triệu tài khoản học sinh với số bài giảng lên tới trên 1 triệu học liệu.

Với tầm nhìn tới 2025, VNPT xác định sẽ là đối tác số một của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về chính quyền điện tử, tiên phong trong Chính quyền số, dẫn đầu thị trường về cung cấp giải pháp toàn diện giúp chuyển đổi số tổ chức, DN. Cùng với đó là triển khai, vận hành giải pháp toàn diện từ hạ tầng, nền tảng đến các giải pháp chuyên ngành, đảm bảo an toàn thông tin cho chuyển đổi số.

"VNPT sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để chuyển đổi thành DN cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và trở thành DN trụ cột trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tập đoàn đặt ra mục tiêu làm chủ nhiều nền tảng công nghệ quan trọng, chuẩn hóa các quy trình sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường cũng như phát triển hệ sinh thái sản phẩm công nghệ thông tin đa dạng, hiện đại hàng đầu tại Việt Nam. Chuyển đổi số không phải là khẩu hiệu và VNPT tin rằng đã, đang thực hiện tốt vai trò này." - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần