Thực hiện Kế hoạch số 233/KH-UBND ngày 30/12/2015 của UBND TP về việc phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội năm 2016, từ đầu năm đến nay, Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật TP đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và cán bộ công chức ngành tư pháp.Tại hội nghị, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào đã giới thiệu những điểm mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Bộ luật được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Bộ luật có 42 chương, 517 điều; bao gồm các quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để TAND giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự và nhiều điểm mới cập nhật.
Điểm đáng chú ý trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 là quy định TAND không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đây là một trong những điểm mới quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, khắc phục một số bất cập trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay. Bộ luật góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Quỳnh Liên (Vụ Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp) - Báo cáo viên pháp luật T.Ư đã giới thiệu về Luật Tiếp cận thông tin 2016. Luật Tiếp cận thông tin 2016 được thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII ngày 6/4/2016, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Luật gồm 5 chương, 37 điều; quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đồng thời, nhằm cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tiếp cận thông tin của công dân, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia, tạo điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Qua đó, góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan Nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay.Trước đó, ngày 23/9, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn TP, nhằm phổ biến sâu rộng Luật Tiếp cận thông tin, giúp cho cán bộ, công chức và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn TP hiểu, nắm vững nội dung cơ bản của Luật, qua đó sớm đưa các quy định của Luật vào thực tế cuộc sống.