Tập trung các nguồn lực để phát triển nông nghiệp - nông thôn Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/7, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã làm việc với UBND TP Hà Nội về sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác phòng chống lụt bão (PCLB) và quản lý đê điều trên địa bàn TP.

Ngày 14/7, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã làm việc với UBND TP Hà Nội về sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác phòng chống lụt bão (PCLB) và quản lý đê điều trên địa bàn TP. Dự và làm việc với Đoàn có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo; Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt.

Theo báo cáo của UBND TP, tăng trưởng nông nghiệp Hà Nội bình quân đạt gần 2,5%/năm, cao hơn so với chỉ tiêu đề ra 1,5-2%/năm, cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ. Giá trị sản xuất tăng nhanh, đạt 231 triệu đồng/ha/năm 2014, đạt chỉ tiêu đề ra đến năm 2015. Số xã đạt chuẩn NTM của Hà Nội đã vượt chỉ tiêu đề ra 50/48 xã, diện tích đất nông nghiệp thực hiện dồn điền đổi thửa đạt hơn 96%, hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư… Công tác PCLB được quan tâm đặc biệt, nên hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô. Xây dựng NTM ở những xã vùng dân tộc miền núi, vùng xa trung tâm còn chậm và khó khăn về huy động nguồn lực từ ngân sách, tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề chưa được đầu tư khắc phục. Còn nhiều công trình thủy lợi cũ, xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp, cải tạo.

Từ thực tiễn, Hà Nội đề nghị, Bộ NN&PTNT một số vấn đề. Trong đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM cho phù hợp với với khu vực nông thôn, như tiêu chí về trường mầm non, nhà văn hóa… Quan tâm hỗ trợ thành phố được tham gia các chương trình, đề án, dự án đầu tư mới do Bộ làm chủ đầu tư. Báo cáo Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư để triển khai các dự án: Xử lý bảo đảm ổn định khu vực sông Đuống; xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống; nâng cấp đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ - Đan Phượng); nạo vét lòng dẫn sông Đáy (giai đoạn II). Chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ thống nhất và xác định mốc giới giữa Vườn Quốc gia Ba Vì với các xã xung quanh, tạo điều kiện cho đồng bào người Dao các xã lân cận Vườn Quốc gia này được trồng cây thuốc dưới tán rừng từ cốt 100 đến cốt 400 để nâng cao thu nhập. Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 25; khoản 3,4 Điều 26 Luật Đê điều theo hướng phân cấp cho địa phương để chủ động thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội đã quan tâm phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là xây dựng NTM, có số xã hoàn thành tiêu chí đứng đầu cả nước. Bộ trưởng khẳng định, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn cho Hà Nội là rất cần thiết và Bộ luôn ý thức có trách nhiệm về vấn đề này. Thời gian tới, Hà Nội cần rà soát, tập trung chỉ đạo, xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển, theo hướng, chuyển mạnh sang giống lúa chất lượng cao…, tăng cường phát triển sản xuất rau an toàn, thực phẩm tự cung ứng. “Trong năm nay, Bộ chọn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để tập trung xây dựng và thông qua đề án đảm bảo cung cấp rau an toàn và thịt lợn, gia cầm an toàn theo hướng quản lý chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, chế biến” - Bộ trưởng cho biết.

Về kiến nghị, thay đổi 6 tuyến đê trên địa bàn Hà Nội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của TP về lâu dài nên cần có sự thận trọng, cân nhắc kỹ. 

Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, định hướng của TP là xây dựng thêm lớp đê mới ở cấp độ chống lũ, đảm bảo an toàn cho dân cư khu vực và có thể khai thác làm đô thị sinh thái, gắn kết làm hệ thống giao thông trục lõi đô thị ở một số đoạn. Đề nghị Bộ NN & PTNT sớm phê duyệt Quy hoạch Đê điều TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được HĐND TP thông qua) và UBND TP đã trình Bộ. 

Liên quan đến các kiến nghị của Bộ, Chủ tịch TP chỉ đạo các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ NN & PTNT, rà soát quy hoạch, đất đai liên quan đến  phát triển Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện Rau quả và các đơn vị liên quan và báo cáo UBND TP, lãnh đạo đạo Bộ để xem xét; Nhất trí, cơ chế phối hợp, định kỳ họp đánh giá công tác vào tháng 5 hàng năm giữa UBND TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên cũng như các chương trình công tác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần