Tập trung chống ùn tắc giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/12, Sở GTVT Hà Nội đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhóm giải pháp chống UTGT được áp dụng 3 tháng vừa qua.

Đến thời điểm hiện tại, tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến đường trọng điểm đã giảm hẳn, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập từ ý thức nhà thầu cho đến việc tổ chức giao thông.

Không còn ùn tắc kéo dài

Sau khi Sở GTVT, Công an TP Hà Nội cùng phối hợp tăng cường lực lượng hướng dẫn, điều tiết giao thông, giám sát chặt chẽ quá trình thi công, dựng rào chắn của các nhà thầu đang thi công hạ tầng tại một số nút giao lớn, tình hình giao thông đã có nhiều chuyển biến rất tích cực.
Đội trưởng Đội CSGT số 7 Đỗ Mạnh Ninh yêu cầu các đơn vị thi công phải giữ gìn hệ thống đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch rõ ràng  để phục vụ điều tiết giao thông. 	Ảnh: Ngọc Hải
Đội trưởng Đội CSGT số 7 Đỗ Mạnh Ninh đề nghị các đơn vị thi công phải giữ gìn hệ thống đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch rõ ràng để phục vụ điều tiết giao thông. Ảnh: Ngọc Hải
8 điểm đen UTGT đã được xóa triệt để, 16 điểm khác không còn xuất hiện ùn tắc kéo dài; các tuyến hè, đường quanh dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, Bưởi - Cầu Giấy… đã được sửa chữa, nâng cấp êm thuận, phục vụ tốt cho lưu thông. Có thể dễ dàng nhận thấy hiệu quả của nhóm giải pháp chống UTGT trên các trục hướng tâm, xuyên tâm đã thông thoáng, kể cả trong giờ cao điểm như Trần Phú - Nguyễn Trãi, Tố Hữu - Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng…

Để có được kết quả đó, một lực lượng hỗn hợp lớn gồm cả CSGT, CSTT, CSCĐ, Thanh tra GTVT, Thanh niên tình nguyện đã được huy động làm nhiệm vụ tại 83 chốt xung yếu khắp TP. Bên cạnh đó, Sở cũng đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử phạt các nhà thầu thi công cẩu thả, gây cản trở giao thông. Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết: “Các đơn vị thi công về cơ bản đã chấp hành tốt nhưng vẫn có nhiều vi phạm, 3 tháng qua đã có 20 trường hợp bị xử phạt với tổng số tiền trên 300 triệu đồng”.

Nhiều đơn vị thi công vô trách nhiệm

Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Duy tu - Hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Đức Giang cho biết: “Rất nhiều đoạn trên tuyến Trần Phú - Nguyễn Trãi, sau khi thi công xong nhà thầu rút đi để lại mặt đường lồi lõm khiến các phương tiện gặp khó khăn khi lưu thông như mặt cầu Trắng, đoạn đường bến xe Yên Nghĩa - Ba La (Hà Đông), cầu Phương Liệt (Thanh Xuân)…”. Đội trưởng Đội CSGT số 7, Trung tá Đỗ Mạnh Ninh đề nghị: “Tại các nút giao lớn có công trình đang thi công nhà thầu phải sơn kẻ vạch rõ ràng, đèn tín hiệu hỏng phải sửa chữa để phục vụ điều tiết giao thông, không thể vì thi công mà để hệ thống tín hiệu tạm bợ, chắp vá”.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn, khi đề cập đến đoạn công trình đường sắt đô thị đang thi công tại khu vực Bến xe Yên Nghĩa - Ba La tỏ ra rất bức xúc. Ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết, lẽ ra công trình phải hoàn thành và giao trả mặt bằng vào 31/12 này để phục vụ kết nối tuyến buýt nhanh BRT nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Nếu đơn vị thi công không đẩy nhanh tiến độ, có biện pháp hữu hiệu tạm thời, Sở GTVT sẽ đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép.

Chủ động phương án tổ chức giao thông
Theo thống kê Hà Nội có trên 7 triệu dân, nhưng thực tế hạ tầng đang phải phục vụ hơn 10 triệu người, mật độ dân cư không đồng đều, ý thức người dân khi tham gia giao thông còn kém; các tuyến xuyên tâm chịu áp lực gấp 6 - 7 lần năng lực đáp ứng, VTHK công cộng mới đạt 13 - 14% nhu cầu. Nếu không tổ chức tốt, tuyên truyền tốt, vận dụng linh hoạt quỹ hạ tầng, TP sẽ khó thoát khỏi tình trạng UTGT.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện

Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long Phạm Thanh Bình cho biết, 2 công trình hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2016. Cùng với đó, tuyến cầu Nhật Tân - Cầu Giấy cũng sẽ xong trước 31/1/2016, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đến tháng 6/2016 sẽ dỡ bỏ hoàn toàn rào chắn. Khi các tuyến này được khai thông tình hình UTGT sẽ tiếp tục giảm mạnh, tuy nhiên cơ quan chức năng cũng đang phải tính toán phương án kết nối loạt công trình này để đồng bộ hệ thống hạ tầng. Dự kiến sẽ phải tiếp tục huy động lực lượng hướng dẫn người dân làm quen, sử dụng đường, hầm mới, tổ chức lại giao thông quanh các khu vực này cho phù hợp và có hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết, hiện tuyến Vành đai 3 không chỉ có xe đi - đến Hà Nội sử dụng mà còn rất nhiều xe khách liên tỉnh vãng lai chạy qua, việc dừng, đỗ đón trả khách tại các điểm dừng chờ xe buýt là không được phép. Mặt khác, hiện một số tuyến đường quanh Bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình cũng đang bị quá tải phương tiện do lượng xe khách liên tỉnh lớn. “Sở đang xem xét phương án điều chỉnh lại hướng đi cho phù hợp, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm để giảm áp lực giao thông nói chung”. Từ hiệu quả của nhóm giải pháp đề ra 3 tháng trước, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã yêu cầu các ban, ngành hữu quan duy trì, đẩy mạnh công tác theo phương hướng định sẵn, tiếp tục rà soát các bất cập trong tổ chức giao thông, giám sát chặt chẽ việc thi công hạ tầng, quyết liệt đẩy lùi tình trạng ùn tắc, mất ATGT trong nội thành Hà Nội. “Quỹ hạ tầng còn eo hẹp, chúng ta phải tìm cách tận dụng tốt, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, tổ chức giao thông, mạnh mẽ đẩy lui UTGT và quyết không để tình trạng đó tái diễn” - ông Vũ Văn Viện nói.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có Công điện gửi các bộ, ban ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư yêu cầu triển khai các biện pháp để bảo đảm trật tự, ATGT cho Nhân dân vui đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội Xuân 2016, đồng thời góp phần bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. (Trịnh Vân)