Đại diện HĐND các tỉnh, TP đã chỉ ra, cùng với những kết quả đã đạt được, hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng việc lựa chọn nội dung, lĩnh vực giám sát chưa sát; tính thời sự không cao; kết luận giám sát còn chung chung. Các chủ thể chịu giám sát chưa thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát. Chất lượng tiếp công dân của đại biểu HĐND, chất lượng giám sát của Thường trực HĐND đối với việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng như việc thực hiện, giải quyết kiến nghị của cử tri chưa được thực hiện tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, các ĐB cần kiên quyết đi đến cùng những vấn đề bức xúc của số đông cử tri quan tâm đặt ra. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, một trong những hình thức giám sát có hiệu quả, mang tính đối thoại trực tiếp với đối tượng chịu giám sát, từ đó làm rõ nguyên nhân tồn tại, yếu kém, có biện pháp khắc phục, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, thống nhất thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đồng thời tăng cường giám sát việc quán triệt và tổ chức thực hiện 2 luật này ở các địa phương. Quan tâm, chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân cử, nhất là cán bộ làm chuyên trách HĐND. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh Nghị định 48 theo hướng tăng phòng, ban chuyên môn giúp việc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Nội dung giám sát phải thiết thực, cụ thể. Trong giám sát phải có sự thảo luận chất vấn để làm rõ nguyên nhân tồn tại, yếu kém, có biện pháp để giải quyết, khắc phục và kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết…