Theo đó, HĐND TP tán thành với Báo cáo số 16/BC-ĐGS ngày 3/12/2024 của Đoàn giám sát HĐND TP về việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
HĐND TP thống nhất đánh giá một số kết quả chủ yếu về việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 như sau:
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2025 và chỉ đạo của Thànhủy, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của TP Hà Nội đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đồng thời, HĐND TP đã ban hành có các nghị quyết về phân cấp quản lý và nhiều nội dung nghị quyết chuyên đề quan trọng; ban hành các nghị quyết về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu, chi ngân sách hàng năm và quy định các giải pháp, biện pháp, cơ chế đặc thù theo thẩm quyền để tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn của TP.
TP đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động, nghiêm túc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 10 chương trình công tác, 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 20 chỉ tiêu và 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của TP nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể hóa và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP, từng bước đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ đạo của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND TP, Chương trình, kế hoạch của UBND TP đã được cụ thể hóa bằng kế hoạch của ngành và các Nghị quyết HĐND cấp huyện 5 năm và hàng năm, gắn với các nhiệm vụ trọng tâm công tác hàng năm, với nhiều giải pháp đổi mới cả về nội dung và hình thức thực hiện để triển khai các nhiệm vụ một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, ưu điểm, vẫn còn nhiều nội dung hạn chế cụ thể thuộc trách nhiệm của UBND, các sở, ngành và các cơ quan nhà nước thuộc TP trong việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Một số hạn chế chủ yếu là: 12/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 2021-2025 còn thách thức, khó hoàn thành, một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch; tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công không đạt yêu cầu; quản lý tài nguyên hiệu quả chưa cao, còn nhiều dự án sử dụng đất chậm triển khai chưa được xử lý triệt để; tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra; phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn; việc cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số của TP Hà Nội chưa rõ nét; ô nhiễm môi trường, rác thải, nước, không khí chưa được kiểm soát triệt để và chưa có giải pháp đồng bộ, căn cơ để khắc phục. Tình trạng thiếu trường, lớp học, quá tải trong các trường học công lập còn nhiều; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở chưa hoàn thiện, việc quản lý, khai thác hiệu quả chưa cao...
HĐND TP tán thành với đề nghị của Đoàn giám sát, giao UBND TP nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát đã nêu. Đồng thời bổ sung, nhấn mạnh yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Triển khai có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và Thành uỷ, đặc biệt là quán triệt và triên khai các quan điểm, chỉ đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đưa Thủ đô cùng đất nước phát triển nhanh, bền vững, trong "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
Triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua; Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, hiệu quả, khả thi để đẩy mạnh hơn nữa việc cơ cấu lại nền kinh tế của Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo đà cho yêu cầu tăng trưởng vượt bậc ở giai đoạn tiếp theo.
Chỉ đạo các sở, ngành và quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung quyết liệt thực hiện nhóm 5/20 chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành đến năm 2025 và 12/20 chỉ tiêu dự kiến khó hoàn thành và còn nhiều thách thức để thực hiện các chỉ tiêu ở mức kết quả cao nhất. Đồng thời, thực hiện rà soát, nghiên cứu xây dựng các nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2026-2030 và những giai đoạn tiếp theo của Hà Nội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng khối, ngành, đơn vị.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, duy trì kỷ luật, kỷ cương. Số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính thực chất; phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng công dân số. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, phát triển đô thị; tập trung xử lý, giải quyết triệt để, hiệu quả các vấn đề về: ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải, không khí, hạ tầng giao thông. Phát triển đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế; thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; đẩy mạnh công tác đối ngoại, tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.
Tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các Sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Chú trọng kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra từ đợt kiểm tra trước. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức gắn với việc thực hiện Chi thị số 24-CT/TU của Thành ủy. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan nhà nước của TP.
Triển khai hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức; có năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành, phục vụ yêu cầu phát triển mới của Thủ đô.
Trước đó, HĐND TP Hà Nội đã thông qua việc ban hành Quy chế làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và Bộ phận chuyên trách các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND TP Hà Nội.
Quy chế nhằm thống nhất trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện để Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND TP hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của HĐND TP. Việc ban hành Quy chế trên cơ sở hệ thống hóa các văn bản Luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND mới được sửa đổi, ban hành bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động của HĐND TP hiện nay.