Sức mua tại chợ truyền thống giảm mạnh khi các sàn thương mại điện tử phát triển
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 63 chợ, trong đó có 2 chợ hạng I, 8 chợ hạng II, 50 chợ hạng III và 3 chợ tạm, cùng 7 siêu thị. Trong đó, có 5 siêu thị hạng I và 3 siêu thị hạng II. Ngoài ra, còn có 6 Trung tâm thương mại và 11 cửa hàng tiện ích, cùng 24 cửa hàng thuộc chuỗi Bách hóa xanh, Co.op Food…
Theo thống kê của ngành chức năng, qua điều tra thực tế trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, sức mua ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng giảm. Tình trạng này đang giảm sâu ở các chợ, thậm chí có nơi giảm đến hơn 60% so với trước kia. Ngoài nguyên nhân khách quan do người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, còn nguyên nhân khác đang làm sức mua ở các chợ truyền thống đang có xu hướng giảm đó chính là các kênh bán hàng điện tử. Thực trạng trên ngoài việc nguồn ngân sách bị thất thu nghiêm trọng do khó quản lý thuế ở các trang – kênh bán hàng trực tuyến, còn tạo thách thức trong việc hoàn thành chỉ tiêu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của địa phương năm 2024.
Những năm gần đây, sự phát triển của các trang mạng bán hàng trực tuyến, kênh bán lẻ trên các nền tảng mạng xã hội Tiktok, Facebook, Zalo, Youtube… hay các trang điện tử bán hàng tiện lợi Lazada, Shopee… đã đang đẩy các chợ truyền thống vào cảnh rất khó khăn. Đặc biệt, sự phát triển mạnh của hệ thống bán hàng điện tử đi kèm với hệ thống giao hàng nhanh tiện dụng đã làm thay đổi không nhỏ đến thói quen mua sắm tiêu dùng của người dân cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm sức mua ở các chợ truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Phiến trú thị trấn Phước Long huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu cho biết, gia đình có 4 người sống từ đồng lương công chức nên việc chi tiêu hàng tháng phải tiết kiệm. “Nhiều năm nay, gia đình có thói quen đi chợ mua thực phẩm hàng ngày. Nhưng những chi tiêu chính cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng đều sử dụng mua hàng online do dễ chọn lựa, khỏi phải trả giá. Ngoài ra còn rất tiện mua sắm những lúc rảnh rỗi, thư giãn” – chị Phiến kể.
Lợi thế của chợ truyền thống bắt nguồn từ thói quen tiêu dùng
Là tỉnh thuần nông vùng ĐBSCL, Bạc Liêu có vị trí địa lý sông ngòi, đường liên thông các tỉnh lân cận từ hàng trăm năm nay, nên ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bán lẻ nói chung và các chợ truyền thống nói riêng. Ở các vùng nông thôn Bạc Liêu, chợ truyền thống luôn nhóm họp ở những trục đường, chốt giao thông đường sông… mang đậm nét chợ quê ở các tỉnh Nam Bộ tự cung tự cấp tại chỗ. Hoặc những “siêu thị di động mini” mang đủ các loại hàng hóa trong ngày len lỏi đến từng hộ dân bằng những ghe hàng, xe ba gác.
Ở đô thị, chợ truyền thống nằm ở những vị trí quen thuộc với người mua tại các khu dân cư, trung tâm … tiện lợi giao thông. Đặc biệt, thói quen mua sắm, đi chợ bằng xe máy tạo thuận tiện cho người tiêu dùng (nhất là giới công sở) khi nhanh, gọn, tiết kiệm thời gian… đang là lợi thế của chợ truyền thống mặc dù đôi lúc lại cản trở mỹ quan đô thị.
Ở chợ truyền thống Bạc Liêu dù ở nông thôn hay đô thị, các sản phẩm thực phẩm luôn tươi sống, kèm theo giá cả hợp lý đang là lợi thế giữ chân người tiêu dùng. Chính những lợi thế đó, địa phương đã tin tưởng đề ra chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 85.800 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 68.200 tỷ đồng, tăng 13% và doanh thu dịch vụ 17.600 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023. Theo đó, Bạc Liêu tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa. Chú trọng phát triển thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng, các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh.
Anh Tăng Long, 38 tuổi, làm nghề phụ hồ sống ở xã Hưng Hội huyện Vĩnh Lợi cho biết, thu nhập hàng ngày của anh nếu tiết kiệm vẫn đủ nuôi sống hai vợ chồng. “Cả năm chưa bao giờ mua hàng oline hay đi siêu thị mà chỉ đi chợ truyền thống ở Cầu Xáng (phường 1, TP Bạc Liêu) hay chợ Hưng Hội (Vĩnh Lợi) vì tôm thịt cá đều tươi, giá hợp lý. Nên chợ truyền thống vẫn là lựa chọn của gia đình tôi” – anh Long khẳng định.
Cần gắn kết chợ truyền thống với văn hoá du lịch để tạo thành thị trường riêng
Theo các chuyên gia kinh tế, để phát huy được những giá trị kinh tế - văn hóa của chợ truyền thống, cần có sự đầu tư quan tâm đúng mức của các cấp. Vì vậy, để bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bạc Liêu đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cho các chợ truyền thống.
Theo đó, hệ thống kho hàng được quan tâm đầu tư phát triển như: kho lạnh trữ đông hàng thủy sản xuất khẩu, kho lương thực, kho xăng dầu, kho bách hóa, kho vật liệu xây dựng, kho vật tư nông nghiệp, kho muối, kho gas…, tạo điều kiện thuận lợi trong dự trữ đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua bán và kịp thời can thiệp điều tiết bình ổn thị trường khi có biến động về cung - cầu hàng hóa, hoặc kịp thời có vật tư, hàng hóa để hỗ trợ người dân khi có thiên tai, dịch bệnh...
Mặt khác, nhiều chuyên gia còn cho rằng cần có sự gắn kết giữa chợ truyền thống với văn hóa – du lịch để tạo thành một thị trường riêng, kích cầu mua sắm qua việc gắn kết chợ với các tuyến, sản phẩm du lịch. Đây là mô hình đã được áp dụng ở nhiều nước, nhất là các quốc gia có chợ truyền thống gắn với đặc điểm về văn hóa, tập quán và cả các tín ngưỡng dân gian độc đáo.
Theo đó, khi tuyến du lịch sông nước trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được đưa vào khai thác, du khách sẽ tham quan chợ cá đồng, rau đồng, bánh quê… ở chợ Phước Long, Hồng Dân. Hay đến chợ Bạc Liêu để mua các đặc sản của vùng đất Bạc Liêu và thưởng thức các món ngon ở khu vực chợ đêm khi tham quan nhà Công tử Bạc Liêu.