Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung phát triển hạ tầng giao thông cửa ngõ phía Nam Hà Nội

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 20 năm thành lập, tại quận Hoàng Mai có 2 tuyến đường trục, Giải Phóng và Vành đai 3 được coi là “vào cấp” theo Điều 8, Luật Đường bộ số 35/2024/QH15. Chính vì vậy, muốn phát triển kinh tế - xã hội, quận Hoàng Mai phải tập trung phát triển hạ tầng giao thông...

Quận Hoàng Mai có diện tích lớn thứ 4 TP Hà Nội với 41km2, chỉ sau các quận Long Biên, Hà Đông và Bắc Từ Liêm. Dân số quận Hoàng Mai trên 700 nghìn người, là quận/huyện đông dân nhất Thủ đô. Chính điều này khiến cho hạ tầng giao thông trở thành vấn đề sống còn để phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư đến với Hoàng Mai.

Phát triển hạ tầng giao thông cửa ngõ phía Nam

Nếu so sánh 3 tiêu chí: mật độ đường giao thông (tính đến đường có chiều rộng phần xe chạy ≥ 7,5m); tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng; diện tích đất giao thông tính trên dân số tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, thì nhiều người sẽ ngạc nhiên, bất ngờ.

Tuyến đường sắt dài 8,7km đi ngầm theo Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh, tổng mức đầu tư dự kiến 40.570 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt dài 8,7km đi ngầm theo Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh, tổng mức đầu tư dự kiến 40.570 tỷ đồng.

Vì thế, theo bản đề án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các khu đô thị trung tâm đang được mở rộng từ nội đô về các quận phía Tây và Nam. Và ở phía Nam, Hoàng Mai nằm trọn trong địa giới khu vực nội đô mở rộng, vì thế mà cơ sở hạ tầng giao thông đang được TP quan tâm phát triển.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Chủ nhiệm Khoa Vận tải - Kinh tế (Đại học GTVT): Hà Nội đang rất quan tâm phát triển giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam. Về đường thủy, TP đang tập trung cải tạo và nâng cấp cảng Khuyến Lương với diện tích hơn 20ha, nhằm đảm bảo nâng cao năng suất xếp dỡ có thể đạt mức trên 1 triệu tấn/năm. Về giao thông nội đô có tuyến đường sắt dài 8,7km đi ngầm theo đường Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh, tổng mức đầu tư dự kiến 40.570 tỷ đồng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho biết, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất của UBND TP Hà Nội về dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai. Vấn đề lúc này là phải nhanh chóng triển khai các tuyến đường liên khu vực như tuyến đường Vành đai 2,5 Minh Khai, Vĩnh Tuy, tuyến đường Yên Duyên, tuyến đường Vành đai 3 ra cảng Khuyến Lương và mở rộng tuyến đường Trương Định thêm 40m…

Những dự án trọng điểm

Về giải quyết bài toán tổng thể giao thông, Hà Nội quy hoạch có 7 tuyến đường vành đai, trong đó Vành đai 5 chưa hình thành. Trong các tuyến vành đai còn lại (Vành đai 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4) có Vành đai 3 đã hoàn thiện, còn lại đều đang xây dựng hoặc chờ dự án.

Vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, kết nối Vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Trung Kính - Đầm Hồng - Kim Đồng - Lĩnh Nam. Tuyến đường này được TP Hà Nội quy hoạch đầu tư hơn 10 năm trước với tổng vốn dự kiến hơn chục nghìn tỷ đồng.

Nhiều đoạn của tuyến đường này đã được xây dựng, như đoạn qua Khu đô thị Tây Hồ Tây, đoạn Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy, đoạn Công viên Cầu Giấy - Trung Kính...

Máy móc, thiết bị của nhà thầu Dự án tuyến đường Vành đai 2,5 "đắp chiếu" nằm đợi thi công. Ảnh HM
Máy móc, thiết bị của nhà thầu Dự án tuyến đường Vành đai 2,5 "đắp chiếu" nằm đợi thi công. Ảnh HM

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất của tuyến này là triển khai xây dựng đoạn Đầm Hồng tới Giải Phóng. Dự án tuyến đường Vành đai 2,5 qua quận Hoàng Mai có chiều dài khoảng 7,1km. Dự án này được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với chiều dài 2,06km, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, đến nay sau gần 20 năm vẫn chưa thể hoàn thành.

Ngoài ra theo kế hoạch, từ năm 2025, TP Hà Nội sẽ chỉnh trang, mở rộng đường Hoàng Đạo Thúy, trục Khương Đình, Định Công trên tuyến vành đai này.

Sau 14 năm triển khai, đến cuối năm 2023, chính quyền quận Hoàng Mai đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) của 14 hộ dân cuối cùng nằm trong phạm vi dự án. Nhà đầu tư Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà đã hoàn thành 95% khối lượng công trình dài khoảng 2,1km, được thiết kế chiều rộng 40m, vỉa hè rộng 7,5m. Tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng.

Nhưng đến nay, máy móc công trình vẫn ''đắp chiếu'' chờ việc gia hạn hợp đồng BT, trong khi dự án hầm Vành đai 2,5 khởi công tháng 10/2022 với mức đầu tư hơn 770 tỷ đồng, đang bảo đảm tiến độ hoàn thành năm 2025. Rất có thể dự án hầm Vành đai 2,5 sẽ “đi sau, về trước” nếu như Dự án xây dựng tuyến đường 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A) không sớm được gia hạn hợp đồng, khẩn trương thi công.

Trong khi đó, quận Hoàng Mai đang dồn lực để hoàn thành GPMB, thi công mở rộng đường Tam Trinh dài 3,5km, mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng.

Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh - Trưởng ban chỉ đạo GPMB quận khẳng định: "Có vài phát sinh về cơ chế, chính sách đối với dự án đường Tam Trinh, nhưng quận Hoàng Mai vẫn quyết tâm bằng mọi cách hoàn thành bằng được công tác GPMB trong năm 2024, chúng tôi không còn đường lùi nữa".

Quận Hoàng Mai đang tập trung GPMB dự án mở rộng tuyến đường Tam Trinh. Ảnh AT
Quận Hoàng Mai đang tập trung GPMB dự án mở rộng tuyến đường Tam Trinh. Ảnh AT

Được biết, hiện tại cả 3 tiêu chí: hành lang pháp lý, nhân lực triển khai và nguồn vốn cơ bản đã được quận Hoàng Mai chuẩn bị tương đối đầy đủ, vấn đề quan trọng nhất lúc này là phải tập trung nguồn lực để thực hiện các bước theo tiến độ đã được xây dựng.

Trong thời gian tới đây, quận Hoàng Mai sẽ như một “đại công trường” khi 6 dự án giao thông quan trọng TP và quận đồng loạt triển khai. Đó là các dự án tuyến đường phía Bắc khu công nghiệp Vĩnh Tuy; tuyến đường từ Đồng Tàu ra Giải Phóng; tuyến đường Tam Trinh; dự án Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên nối tiếp đoạn từ đường Vành đai 2,5 đến Vành đai 3; tuyến đường Lĩnh Nam; tuyến đường từ đường 2,5 đến UBND phường Hoàng Văn Thụ.

Trong đó, Dự án xây dựng tuyến đường 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng đến quốc lộ 1A), tuyến đường Lĩnh Nam, tuyến đường Tam Trinh là những tuyến đường được đánh giá là “huyết mạch” của quận Hoàng Mai đang được dư luận Nhân dân rất quan tâm.