Tập trung tháo gỡ cho DN tư nhân, nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (8/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực...

Kinhtedothi - Sáng nay (8/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Các đại biểu (ĐB) cho rằng, trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng được mở rộng tại Việt Nam, việc phát triển nguồn lực nội tại, trọng tâm là các DN tư nhân, nông nghiệp đang trở thành đòi hỏi bức thiết.
Tập trung tháo gỡ cho DN tư nhân, nông nghiệp - Ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Năm 2014, doanh nghiệp FDI xuất khẩu chiếm 68% trong tổng số 150 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam. Nhìn ở góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, đây là thành quả, nhưng nếu nhìn ở góc độ sức khỏe của nền kinh tế thì đây là một điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Bản thân các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam họ cũng cần DN nội địa trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng DN nội địa của Việt Nam chưa đủ mạnh, khả năng tiếp thu khoa học công nghệ còn yếu.

“Phục hồi tăng trưởng chủ yếu... nhờ uống thuốc khỏe, kinh tế vẫn ứng phó thụ động tình huống xảy ra” ĐB Huỳnh Nghĩa -  Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng nói. Theo ĐB Nghĩa, kinh tế phục hồi chủ yếu vẫn là số lượng, chưa thay đổi về chất lượng. Tăng trưởng chủ yếu vẫn ở khối FDI, khu vực nội địa vẫn yếu. Đặc biệt là DN nội địa phá sản năm sau nhiều hơn năm trước.

ĐB Nghĩa đặt vấn đề: “Dường như chúng ta vẫn đang cố duy trì nền kinh tế công nghệ thấp? Thế mạnh xuất khẩu của DN nội địa vẫn tập trung vào hàng sơ chế, gia công".

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu “Về dài hạn, chúng ta phải chăm lo nhiều hơn đến việc phát triển khu vực trong nước, đặc biệt là DN tư nhân. Chúng ta cần cung cấp thông tin về những thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu và làm thế nào để giúp các DN có thể nhận được sự chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài”. Đồng quan điểm, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) đề nghị năm 2015 là năm hỗ trợ DN tư nhân. Trong đó, sớm hỗ trợ cho DN về vốn, trình độ pháp lý, tạo vốn vay dài hạn.

Tại buổi thảo luận sáng nay các ĐB cũng tập trung vào những bức xúc trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của người dân. ĐB Nguyễn Cao Phúc (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, tới đây Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại, lĩnh vực gặp khó khăn nhất chắc chắn vẫn là nông nghiệp, do trước đây vốn đã đạt hiệu quả thấp.

 ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho hay trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại đã thâm hụt lớn, chủ yếu do sức cạnh tranh những mặt hàng chủ lực như nông sản, đồ gỗ, dệt may… "Các số liệu thống kê hiện nay cho thấy nhiều mặt hàng nông sản mất giá, mất thị trường: Gạo gặp phải những đối thủ như Campuchia, Lào, Bangladesh. Thủy sản khó khăn, vải thiều chật vật tìm đầu ra…”, ĐB Đồng nhấn mạnh và mong muốn nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có ai có thể trả lời câu hỏi làm sao để đưa nông sản Việt Nam vào các nước Nga, Kazakhstan, Belarus hay Hàn Quốc. ĐB này cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản, phân phối phù hợp, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá.

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đắk Nông) cho rằng, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp cụ thể vì nói chung chung đã quá nhiều rồi. "Hiện nay tính tự phát của phát triển nông nghiệp và hậu quả người nông dân phải gánh chịu. Nói là cần một cuộc cách mạng trong nông nghiệp thì hơi quá nhưng rõ ràng đã đến lúc cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn", bà Hạnh nhấn mạnh.