Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung tìm kiếm 9 người dân hiện đang bị mất tích do mưa lũ

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến trưa 26/7, mưa lũ do hoàn lưu bão số 2 đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân các tỉnh, TP phía Bắc. Trong đợt mưa lũ này, Hà Nội cũng bị thiệt hại lớn.

Mưa kéo dài nhiều ngày qua khiến mực nước trên nhiều tuyến sông lên cao. Nước ngập các ngầm tràn, đường giao thông, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Báo cáo nhanh của các địa phương khu vực phía Bắc cho thấy, tính đến trưa 26/7, đã ghi nhận 10 người chết và 9 người hiện còn đang bị mất tích do mưa lũ. Trong đó, Sơn La là tỉnh chịu thiệt hại về người lớn nhất với 10 trường hợp bị chết và mất tích.

Lũ lên trên sông Mã tại tỉnh Sơn La gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Lũ lên trên sông Mã tại tỉnh Sơn La gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Đáng chú ý, tại Hà Nội cũng đã ghi nhận 1 trường hợp bị lũ cuốn khi đi qua ngầm tràn, được cấp cứu nhưng không qua khỏi tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai). Hiện, 1 người dân bị cuốn trôi trên sông Bùi (huyện Chương Mỹ) vẫn đang bị mất tích.

Cùng với thiệt hại nghiêm trọng về người, mưa lũ đã khiến 73 nhà dân bị sập đổ, hang chục hộ dân phải di dời khẩn cấp. 1.507 ngôi nhà bị thiệt hại. Cuộc sống của người dân nhiều địa phương đảo lộn do mưa lũ.

Sản xuất nông nghiệp cũng đứng trước nhiều khó khăn sau ảnh hưởng của mưa lũ những ngày qua. Theo đó, 29.943ha lúa, hoa màu được xác định bị ngập úng; 11.899 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 188 ha nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại.

Liên quan đến hạ tầng giao thông, thống kê cho thấy mưa lú đã gây ra 769 điểm sạt lở trên các tuyến Quốc lộ với tổng khối lượng trên 47.383m3 đất đá. Ngoài ra mưa lũ cũng gây sạt lở, ngập lụt trên nhiều tuyến giao thông địa phương.

Hiện, các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hà Nội đang tập trung tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Các tỉnh, TP: Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã tiếp nhận thông tin, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du khi hồ Hoà Bình, Sơn La xả lũ.

Bộ NN&PTNT tiếp tục đề nghị các địa phương duy trì rổ chức lực lượng canh gác, đặt biển cảnh báo tại các ngầm tràn, đường giao thông, khu vực ngập lụt, sạt lở; đồng thời tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh khi nước rút để sớm ổn định đời sống.