Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung ưu tiên mọi nguồn lực cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội

Thanh Hải - Thuỷ Tiên - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 6/5, tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng các ngành đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất để tập trung ưu tiên nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Tại cuộc làm việc, cùng với báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nêu 5 nhóm kiến nghị, đề xuất với Thường trực Chính phủ. Đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng giúp Hà Nội hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục tạo động lực mới trong quá trình phát triển Thủ đô.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã bổ sung, làm rõ thêm các kiến nghị về việc sửa đổi Luật Thủ đô, phân cấp, ủy quyền. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu cụ thể các nội dung kiến nghị liên quan đến việc phát triển công nghiệp văn hoá, ưu tiên đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích văn hoá, lịch sử, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ bàn giao khu vực di sản Hoàng thành Thăng Long, điều chỉnh quy hoạch, đưa vào công trình đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích Cổ Loa… Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn làm rõ thêm các kiến nghị, đề xuất về Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế

Tại cuộc họp, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, cho ý kiến về các kiến nghị liên quan tới việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các dự án đường sắt đô thị, về phát triển nhà ở, các vấn đề liên quan tới đất đai... Đồng thời, đề cập đến một số vấn đề để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị thành phố Hà Nội tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, sự quan tâm tháo gỡ cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất để thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc làm việc. 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc làm việc. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay chúng ta đang bị khủng hoảng ở tổng cầu, các khoản chi tiêu của xã hội bị hạn chế. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề quan hệ cung - cầu.

Liên quan đến các kiến nghị của thành phố Hà Nội về các vấn đề dự án PPP, cơ chế đặc thù đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, dự án tuyến đường sắt đô thị số 6; phát triển nhà ở xã hội; phát triển quỹ đất..., Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ bàn bạc với các Bộ ngành liên quan để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, kết quả phát triển của Hà Nội đã góp phần lớn vào kết quả chung của cả nước. Từ phát triển kinh tế, đến các chỉ tiêu, lĩnh vực như chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn. Đây là nỗ lực, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cả Đảng bộ, hệ thống chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong kết quả chung đó, thành phố cũng rất quan tâm đến các lĩnh vực quản lý nhà nước, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…, đặc biệt là quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó là vấn đề nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cũng được quan tâm. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội đã có sự phối hợp, hỗ trợ, gắn bó chặt chẽ trong xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại cuộc làm việc
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại cuộc làm việc

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, về công tác quy hoạch, Hà Nội tiếp tục tăng cường quan tâm về quy hoạch chung trong xây dựng và lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo sớm hoàn thành nhiệm vụ này. Đồng thời, Hà Nội cũng nên rà soát lại quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để có điều chỉnh bổ sung phù hợp, đảm bảo tính khả thi.

Đối với chủ trương thành lập quận của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng góp ý, các định hướng xây dựng huyện thành quận cần đưa vào trong nhiệm vụ quy hoạch sắp tới, đẩy nhanh định vị quy hoạch chung của thành phố.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề xuất, thành phố Hà Nội tăng cường quản lý trật tự đô thị xây dựng trên địa bàn; quan tâm phát triển nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp. Đồng thời tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn theo đúng thẩm quyền.

Liên quan đến dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, hiện nay tiến độ tổng thể chung đạt hơn 60%, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất, thành phố Hà Nội cần hoàn thành thủ tục về việc chấp thuận các hạng mục công trình phòng cháy chữa cháy, thủ tục đăng kiểm, sớm đẩy nhanh công tác tuyển dụng đào tạo nhân sự…

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông

Tại cuộc  làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quý I/2023, thành phố Hà Nội đã đạt được cao mức tăng trưởng cao. Đây là kết quả ấn tượng, đóng góp không nhỏ của Hà Nội vào mức độ tăng trưởng chung của kinh tế cả nước, đồng thời cho thấy đây là bước đi đúng hướng của Hà Nội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc làm việc. 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc làm việc. 

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, UBND thành phố Hà Nội đã rất quan tâm đối với hoạt động ngân hàng, phối hợp để tổ chức nhiều chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, các vấn đề về tín dụng, lãi suất thông qua đó cũng được tháo gỡ. Đồng thời, hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn thành phố nói chung có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội. Trong đó, tín dụng bất động sản cho một số công trình giao thông đã đóng góp vào cho việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị của thành phố. 

Đối với tín dụng bất động sản ở thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Hà Nội là một địa bàn bất động sản lớn, do đó, việc tăng trưởng tín dụng bất động sản cao cũng thúc đẩy cho phát triển kinh tế chung của cả nước, đây là một vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm.

Đánh giá cao các chỉ tiêu tăng trưởng của Hà Nội trong thời gian qua, Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tin tưởng trong thời gian tới Hà Nội sẽ đạt được kết quả cao hơn.

Liên quan vấn đề giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng, theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, Trung ương và thành phố Hà Nội rất quyết tâm và ưu tiên tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Thành phố, như đường Vành đai 1, đường Vành đai 2… và nhiều công trình khác. Trung ương cũng rất quan tâm và đã đầu tư, hoàn thành 6 cao tốc như: Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội- Bắc Giang, Hà Nội- Hải Phòng… Đây cũng là yếu tố để giúp Hà Nội tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, giảm ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế cho Thủ đô cũng như các địa phương khác.